Lo lắng với chất lượng không khí trong nhiều tháng qua, chị Mỹ Dung (TP Hà Nội) tải về điện thoại ứng dụng (app) PAM Air hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Việt Nam để có thể chủ động nắm bắt thông tin, phòng tránh ô nhiễm cho bản thân và gia đình. "Kể từ khi theo dõi chỉ số không khí qua app, tôi lại càng bất an hơn vì số ngày bị cảnh báo màu tím (ô nhiễm ở mức cao nhất - PV) ngày càng nhiều. Ngay tại các công viên nhiều cây xanh, không khí cũng không trong lành hơn là bao" - chị Dung nói.
Thêm hoang mang
Không chỉ riêng PAM Air (có số lượng trạm đo tại Việt Nam nhiều nhất, với 80 trạm), các app đo chỉ số không khí ngày càng trở nên quen thuộc với người dân, khi những biểu hiện ô nhiễm đã có thể nhận biết bằng mắt thường. Vấn đề đặt ra là các app này đều của các tổ chức, công ty tư nhân, không công khai rõ cách thức thu thập thông tin, bố trí các điểm quan trắc, tính tin cậy của phương pháp đo… nên người dân vô cùng hoang mang.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết theo Luật Bảo vệ môi trường, chỉ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quan trắc môi trường mới được công bố thông tin về chất lượng môi trường một cách chính thức. Theo đó, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) và các địa phương có quyền công bố thông tin về môi trường. Trên thực tế, các mạng lưới quan trắc môi trường theo ngành dọc và các địa phương đã được quy hoạch, máy móc, thiết bị được đầu tư theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Cũng theo đại diện Bộ TN-MT, để việc tra cứu thông tin trên app thuận tiện, nhanh chóng hơn, bộ giao Tổng cục Môi trường sắp tới đây, nghiên cứu, xây dựng app cung cấp thông tin quan trắc môi trường chính thức cho người dân.
Bà Trần Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường Miền Bắc thuộc Tổng cục Môi trường, lưu ý ngoài thông tin môi trường được công bố trên trang thông tin điện tử của tổng cục, các công bố khác từ các app, tổ chức, cá nhân… đều chỉ có tính chất tham khảo. "Các công ty công nghệ sở hữu app muốn công bố thông tin môi trường phải báo cáo, xin ý kiến Tổng cục Môi trường, khi được đồng ý thì mới làm. Đến nay, tổng cục chưa cấp phép cho đơn vị nào công bố thông tin" - bà Hương khẳng định.
Trung tâm Quan trắc môi trường Miền Bắc vừa được Tổng cục Môi trường giao nhiệm vụ xây dựng một app chính thức về môi trường với nhiệm vụ cung cấp thông tin, chỉ số về chất lượng môi trường, nhằm thay thế cách thức công bố thông tin trên website của tổng cục như hiện nay. "Chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu ngay sau khi nhận được chỉ đạo và dự kiến trong quý I/2020 có thể ra mắt ứng dụng môi trường sau khi được lãnh đạo tổng cục xem xét, nghiệm thu và phê duyệt. Người dân sẽ tải app xuống từ kho ứng dụng và sử dụng như bất cứ app môi trường nào khác hiện nay" - bà Hương thông tin.

Vấn đề mà người dân mong mỏi nhất là ô nhiễm không khí được khắc phục Ảnh: Ngô Nhung
Cần nhiều biện pháp triệt để
Giới chuyên môn cho rằng trong bối cảnh Hà Nội bị đánh giá là TP ô nhiễm nhất trong nhóm các TP ô nhiễm trên thế giới và TP HCM cũng có chỉ số ô nhiễm cao, app môi trường dù sao cũng chỉ là công cụ để thông tin về tình hình chất lượng không khí đến người dân cũng như cơ quan quản lý liên quan. Việc quan trọng nhất là cần nhiều giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm nặng nề hiện nay.
GS Phạm Duy Hiển (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nằm ở rất nhiều nguồn phát thải và cần xác định được thành phần nguyên tố trong hạt bụi để xác định nguồn nào đóng góp lớn nhất vào ô nhiễm. Song song đó, tiến hành kiểm kê các nguồn phát thải để xây dựng cơ sở dữ liệu, làm căn cứ cho quy hoạch phát triển và quản lý đô thị. Nếu không phân loại, kiểm kê được nguồn phát thải thì bản thân các nhà quản lý trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất cũng như ở tầm Chính phủ sẽ không có căn cứ để điều chỉnh chính sách.
"Đô thị thiếu khoảng trống cho ô nhiễm phát tán. Ðã đến lúc phải chấp nhận những giải pháp triệt để, thậm chí gây xáo trộn lớn đến cuộc sống như tiếp tục di dời một số trường đại học ra vùng ven; cắt giảm đăng ký xe máy; mở rộng các khu phố đi bộ…" - ông Hiển góp ý.
Bộ TN-MT trong cuộc họp mới đây với các bộ, ngành cùng TP Hà Nội và TP HCM bàn về những giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn cũng đã nêu nhiệm vụ bức thiết cải thiện không khí tại các TP lớn. Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, nguyên nhân gây ô nhiễm là do phương tiện giao thông tăng cao với khoảng 5,8 triệu xe máy ở Hà Nội và 7,5 triệu xe máy ở TP HCM. Chưa kể, số lượng phương tiện giao thông di chuyển qua 2 TP này để đi nơi khác cũng rất lớn. Ngoài ra, các hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa đường giao thông đã biến 2 TP trở thành đại công trường. Số lượng các nhà máy ven TP cũng đang tăng nhanh, gây áp lực lớn lên môi trường xung quanh…
"Về lâu dài, bên cạnh tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng cần đẩy nhanh lộ trình đưa ra quy chuẩn đối với khí thải giao thông. Đối với các phương tiện giao thông ở TP Hà Nội và TP HCM, cần kiểm soát cao hơn các địa phương khác; tăng cường đầu tư cho phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng tái tạo; có lộ trình để tái cấu trúc một số ngành sử dụng năng lượng hóa thạch, quy hoạch lại điện năng theo hướng thay thế các nguồn năng lượng cũ bằng năng lượng sạch…" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Các app phổ biến tại Việt Nam
Ngoài PAM Air, hiện có khá nhiều app đo chỉ số không khí được người dân sử dụng như AirVisual, Air Matters, Breezometer, Airlief... AirVisual lấy dữ liệu từ các cơ quan đo lường uy tín của nhiều quốc gia, thậm chí có kết nối với cả vệ tinh để theo dõi một số khu vực cụ thể hơn. App này cũng cho biết chất lượng của không khí cả trong nhà và ngoài trời. Còn Air Matters tổng hợp thông tin về chất lượng không khí từ hơn 180 quốc gia; cảnh báo mức độ cần lọc không khí ở trong nhà. Breezometer tập hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, trong đó có các trạm theo dõi của chính phủ, các đài khí tượng và tổ chức khí tượng châu Âu. Riêng Airlief là ứng dụng có thể linh hoạt cung cấp thêm câu trả lời cho các câu hỏi của từng người dùng để cảnh báo phù hợp. Đồng thời, ứng dụng này cũng đưa ra những mẹo giúp người dùng bảo vệ sức khỏe như trồng cây xanh, đi phương tiện công cộng.
Bình luận (0)