Tôi từng có một mặc định rất sai trước khi sang sống ở Thụy Sĩ, rằng ở đất nước giàu như vậy thì chắc hẳn ai cũng có một đến vài chiếc ôtô, đặc biệt khi chung biên giới với 2 nước láng giềng là Đức và Ý - 2 quốc gia sở hữu những thương hiệu ôtô nổi tiếng nhất thế giới. Hóa ra không phải vậy.
Toàn dân sở hữu xe đạp
Trong số những người tôi biết thì gần 50% không sở hữu ôtô, ở đây tôi đang nói về số ôtô tính trên đầu người, còn hầu hết các hộ gia đình đều có ít nhất một chiếc. Bạn bè quanh tôi, ít nhất cũng gần chục người, đã sống ở Thụy Sĩ mấy chục năm, mà chưa từng sở hữu chiếc ôtô nào.
Vậy họ đi lại, di chuyển bằng phương tiện gì? Rất đơn giản - bằng các phương tiện giao thông công cộng: xe buýt, tàu điện, tàu hỏa hoặc tàu thủy. Bạn bè tôi bảo rằng mỗi ngày bạn lên một chiếc xe buýt hay tàu điện, người ngồi bên cạnh rất có thể là thị trưởng thành phố hoặc bộ trưởng một bộ nào đó trong chính phủ. Và, đó thật sự chỉ là "chuyện thường ngày ở huyện’’ mà thôi, không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Di chuyển bằng xe đạp để bảo vệ môi trường là nét văn hóa của người dân Thụy Sĩ. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tôi có thể bảo đảm rằng ai sống ở đất nước này cũng đều sở hữu một chiếc xe đạp. Tôi cũng không ngoại lệ, thậm chí còn đặc biệt hơn, vì chiếc xe đạp tôi sử dụng được mang từ Việt Nam sang, "made in Vietnam" chính hiệu. Chiếc xe đạp Martin 107 màu cam của tôi năm sau sẽ kỷ niệm tròn 10 năm lăn bánh ở đất nước xinh đẹp này.
Tôi thậm chí đã luôn kinh ngạc và ngưỡng mộ khi đạp xe qua những khu vực có đường hầm xuyên núi, vốn vô cùng phổ biến ở Thụy Sĩ, họ luôn làm một con đường rất đẹp bên ngoài đường hầm, vòng qua núi. Những con đường như thế, tôi nghĩ tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Những đoạn đường xuyên rừng, có những dòng suối lớn chảy qua, họ làm những chiếc cầu chỉ để cho người đi xe đạp có thể đi qua, nhiều cầu còn có mái che để tránh mưa hoặc tuyết. Mỗi lần đạp xe qua những đoạn đường đó, tôi luôn tự hỏi chính phủ tiêu rất nhiều tiền để làm cơ sở hạ tầng cho người đi xe đạp thì chính phủ sẽ có lợi gì với một khoản chi phí rất lớn như vậy.
Vì lợi ích môi trường
Sau một thời gian sống và làm việc ở châu Âu, tôi có nhận xét là không phải điều gì người phương Tây làm cũng hợp lý và hiệu quả. Tư duy và cách làm việc của họ cũng có độ ì của lục địa già hoặc những nguyên tắc có nguồn gốc từ hàng trăm năm mà không ai xem xét chúng còn hợp lý hay không. Tuy nhiên, tôi nhận ra người phương Tây rất quan tâm đến bảo vệ môi trường, không phải vì cái kiểu "phú quý sinh lễ nghĩa’’ như tôi từng nghĩ, mà bởi chính họ đã từng phải trả giá cực kỳ đắt cho việc tàn phá môi trường, nên sau cùng, giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, nếu phải chọn một trong hai, họ sẽ luôn chọn bảo vệ môi trường.
Di chuyển bằng xe đạp để bảo vệ môi trường là nét văn hóa của người dân Thụy Sĩ. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Chồng tôi đã trả lời cho thắc mắc của tôi vì sao nhà nước bỏ ra cả đống tiền để khuyến khích người dân đi xe đạp, trong khi nếu đi ôtô sẽ kích cầu tiêu dùng nhiều hơn, về mặt kinh tế là có lợi cho nhà nước hơn vì thu được nhiều tiền thuế hơn từ việc người tiêu dùng mua xe và mua nhiên liệu. Câu trả lời là đi xe đạp không chỉ có lợi về môi trường, mà đặc biệt có lợi cho sức khỏe của mỗi người. Nếu sức khỏe của mỗi người dân đều tốt thì chi tiêu của bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội sẽ giảm, đồng thời năng suất lao động của người lao động tăng lên. Cái này mới đúng là "thả con săn sắt bắt con cá rô", chứ cái kiểu ham bán ôtô của em là "thả con tôm, bắt con tép".
Chồng tôi đạp xe đi làm mỗi ngày, cả đi và về khoảng hơn 30 km. Khi đến văn phòng, anh sẽ vào khu nhà tắm của công ty, được đầu tư như một spa cao cấp - có đầy đủ sữa tắm, dầu gội, khăn tắm luôn thay mới mỗi ngày - để tắm rửa, rồi thay đồ vì ở đó, anh có một ngăn tủ riêng - có khóa, treo quần áo sạch mà anh để sẵn cho cả tuần.
Điều thú vị nữa là những khoản tiền mà tôi và chồng được nhận vì không dùng ôtô sẽ không bị đánh thuế thu nhập, bởi đó là những khoản tiền có liên quan đến bảo vệ môi trường.
Chọn lợi ích kinh tế hay chọn bảo vệ môi trường luôn là một bài toán rất khó với những nước đang trong giai đoạn phát triển. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước khác trong khu vực như Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ đã và vẫn đang hy sinh môi trường vì lợi ích kinh tế. Tôi đã từng đứng tại một bờ biển ở Manila vào một buổi hoàng hôn, nhìn mặt trời đỏ ối biến mất dần sau lớp bụi dày đặc của khí thải trên bầu trời, chứ không phải hình ảnh lãng mạn khi quả cầu lửa rực rỡ chìm dần vào màu xanh biếc của biển và trời hòa vào nhau đến không còn ranh giới ở đường chân trời. Tôi thấy tim mình như có bàn tay ai đó siết lại, tôi ước sao con mình lớn lên vẫn có thể được ngắm hoàng hôn đúng nghĩa.
Chiếc xe đạp Việt Nam của tác giả lăn bánh gần 10 năm trên đất nước Thụy Sĩ xinh đẹp. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Những ngày vừa qua, nhiệt độ ở một số thành phố khu vực Đông Nam Á được ghi nhận mức cao kỷ lục trong hàng chục năm gần đây. Chồng tôi nói khi trái đất nóng lên, giống như cơ thể con người bị sốt vậy, đó là những tín hiệu cảnh báo, có thể là nghiêm trọng đến sức khỏe. Chúng ta có thể chọn việc dùng thuốc hạ sốt để còn vội vàng quay lại tiếp tục công việc, hay chọn việc tìm hiểu nguồn cơn, gốc rễ của cơn sốt để điều trị.
Lựa chọn có thể sẽ rất khó khăn nhưng ít nhất bây giờ, chúng ta vẫn còn sự lựa chọn. Đừng để đến lúc ngay cả sự lựa chọn cũng không còn.
Bảo vệ cuộc sống của chính mình
Con sông Thames thơ mộng từng chảy 2.000 năm qua dòng lịch sử của nước Anh có một nick name không đáng tự hào chút nào - "The Great Stink’’. Nó có thể dịch là "Kẻ hôi thối vĩ đại’’, cũng có thể hiểu là "một sự hôi thối khủng khiếp, vô tiền khoáng hậu’’. Đây là một kiểu chơi chữ khá phổ biến, kiểu bitter humor (hài hước cay đắng) đặc trưng của người Anh.
Một tài liệu về môi trường cho rằng việc người Anh cứu sống và bảo vệ dòng Thames chính là để bảo vệ cuộc sống của chính họ. Theo Ngân hàng Thế giới, việc giữ gìn và làm sạch nguồn nước đô thị có thể cải thiện sức khỏe của hơn 1 tỉ người, giảm tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt, xói mòn.
Và có lẽ đây chính là lợi ích quan trọng nhất khi chính phủ của nhiều nước ở châu Âu bỏ rất nhiều tiền để làm các cơ sở hạ tầng tốt nhất cho những phương tiện giao thông không gây ô nhiễm môi trường, như xe đạp.
Bình luận (0)