Quan sát thực tế tại một số tuyến đường ở các huyện vùng ven, tình hình đổ trộm hoặc tự xử lý bằng cách đốt chất thải công nghiệp (gọi tắt là rác công nghiệp) vẫn diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Vi phạm tràn lan
Những ngày đầu tháng 3-2023, chúng tôi đi dọc rạch Cầu Suối, chạy qua xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh - nơi thường xuyên bị đổ rác bậy. Đa số là rác vải vụn, da vụn không thể tái chế, một số là thạch cao, rác xà bần, tấm xốp…
Người dân sống gần đây bức xúc cho biết do 2 bên đường rạch Cầu Suối thưa thớt dân cư nên người ta cứ lén lút mang những bao rác lớn đến đây xả, toàn vải vụn, da vụn; có khi họ còn mang xác động vật chết thải xuống kênh, bốc mùi hôi chịu không nổi.
Rời rạch Cầu Suối, chúng tôi đến đường Tân Thới Nhất 1A, dẫn vào khu tái định cư 38 ha thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12 - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng đổ rác trộm do dự án "treo" nhiều năm qua. Dù địa phương đã rào chắn 2 hướng ra vào nhưng bên trong khu đất trống vẫn có nhiều bao rác to và nhiều đám cháy nham nhở; đa số là rác công nghiệp, không thể tái chế.
Không chỉ đổ bậy, các hộ sản xuất nhỏ lẻ còn tự ý đốt rác công nghiệp tại những khu đất trống gây ô nhiễm môi trường. Một người dân sống gần các vựa vải dọc bờ kênh, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn ngán ngẩm cho biết: Cứ vài hôm, lại có người đem vải vụn ra bờ kênh đốt, khói đen bay ngùn ngụt, vào tận nhà, rất ô nhiễm. Hỏi tại sao không gom lại để giao cho người đổ rác thì họ lắc đầu vì tốn kém lắm.
Chưa hết, một người thu gom rác dân lập ở huyện Hóc Môn cho biết: Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cứ vài ba ngày lại gom rác công nghiệp bỏ vào rác sinh hoạt. Khi phát hiện thì họ phản ứng, nói: "Có bấy nhiêu rác, chẳng lẽ kêu công ty đến xử lý?".
Rác công nghiệp vứt đầy bên vệ đường rạch Cầu Suối, huyện Bình Chánh, TP HCM
Rác công nghiệp được lén lút mang vào khu đất trống phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM đốt bỏ
Cần mạng lưới thu gom rác công nghiệp nhỏ lẻ
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 950 - 1.000 tấn (chiếm 1%) là chất thải rắn công nghiệp thông thường lẫn trong rác sinh hoạt - chủ yếu từ ngành sản xuất may mặc, giày da, nệm thảm xe… Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư phát sinh khối lượng chất thải ít, không tìm được đơn vị có chức năng xử lý với giá phù hợp, dẫn đến chủ nguồn thải trộn rác công nghiệp vào rác sinh hoạt hoặc tự ý đốt.
Nhận thấy những bất cập này, tháng 1-2021, được sự chấp thuận của UBND TP HCM, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM (Citenco) triển khai thí điểm mạng lưới thu gom và xử lý tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTRCNTT) - gọi tắt: mạng lưới thu gom, xử lý tái chế CTRCNTT, nhằm thu gom CTRCNTT tại các cơ sở nhỏ lẻ với chi phí hợp lý nhất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao hiệu quả của mô hình, ông Cao Văn Tuấn - Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng của Citenco - cho biết tháng 2-2022, Citenco đã có văn bản gửi UBND TP HCM xin tiếp tục triển khai và mở rộng mô hình thí điểm trên, đồng thời kiến nghị thành phố cho phép nâng công suất từ 50 tấn/ngày lên 200 tấn/ngày. Hiện mô hình này vẫn duy trì và chờ ý kiến của UBND thành phố.
Đánh giá mô hình thí điểm quản lý CTRCNTT của Citenco, đại diện Sở TN-MT TP HCM nhận định dù thời gian thí điểm ngắn và bị tác động bởi dịch COVID-19 nhưng kết quả cho thấy bước đầu mô hình đã phát huy hiệu quả. Do đó, để hỗ trợ Citenco duy trì mô hình quản lý CTRCNTT đã triển khai đến các quận, huyện và chủ nguồn thải đã ký hợp đồng, hạn chế rác công nghiệp trộn lẫn rác sinh hoạt, Sở TN-MT kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho Citenco triển khai mở rộng mô hình này tại 2 trạm trung chuyển Quang Trung và Tống Văn Trân với quy mô mỗi trạm tiếp nhận 25 tấn rác/ngày và công trường Gò Cát với quy mô 50 tấn rác/ngày. Thời gian hoạt động của công trường Gò Cát đến hết ngày 22-2-2025.
Góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả
Ông Cao Văn Tuấn cho biết mô hình thí điểm thực hiện trong 9 tháng, công suất 50 tấn/ngày. Theo đó, Citenco phối hợp các doanh nghiệp, công ty dịch vụ công ích các quận 4, 6, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh để thu gom CTRCNTT từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và đưa về 2 trạm trung chuyển gồm Tống Văn Trân (quận 11) và Quang Trung (quận Gò Vấp), sau đó đưa về công trường Gò Cát để sơ chế. Khi về công trường Gò Cát, CTRCNTT sẽ được nghiền phá, sàng lồng để tách đất, cát, thủy tinh, sau đó được tách kim loại và qua máy nghiền tinh, vào khu chứa. Từ đây, sản phẩm được đưa đến Công ty TNHH Siam City Cement tại Kiên Giang để làm nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm tái chế.
"Qua 9 tháng triển khai, Citenco đã thu gom, tái chế thành nguyên liệu và chuyển giao cho nhà máy của Công ty TNHH Siam City Cement đồng xử lý 5.898 tấn gồm vải vụn, da, bao bì nhựa, giấy, simili… góp phần tiết kiệm cho ngân sách thành phố hơn 4 tỉ đồng nếu so sánh với khối lượng chất thải trên bị trộn lẫn vào rác sinh hoạt phải thu gom, vận chuyển và xử lý. Mô hình không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý CTRCNTT, giảm chi ngân sách thành phố mà còn giúp hình thành thị trường nguyên liệu mới, thúc đẩy các hoạt động thu gom, thu hồi, tái chế, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả" - ông Cao Văn Tuấn phân tích.
Bình luận (0)