Năm 2018, một số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho ở thôn 1B, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng thống nhất cùng nhau canh tác, sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ trên diện tích khoảng 5 ha. Từ quy trình trồng, chăm sóc đến chế biến, họ muốn xây dựng một vùng cà phê sạch, nâng cao giá trị cho cây này. Đến ngày 10-3-2022, tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee tại thôn 1B chính thức thành lập, gồm 7 thành viên.
Thay đổi cách canh tác truyền thống
Sau gần 5 năm thực hiện quy trình trồng, chăm sóc và sản xuất theo hướng hữu cơ, Oh Mi Kơ ho coffee (còn gọi là "Những người anh em K’Ho làm cà phê") đã tạo dựng được thương hiệu và sản phẩm cà phê sạch, ngon.
Chị Nròng Hương, Tổ trưởng Tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee, nhớ lại những tháng ngày mới bắt tay vào việc làm cà phê sạch: "Các thành viên trong tổ khi ấy đã thống nhất cùng nhau sản xuất cà phê sạch, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Chúng tôi mong muốn đem những hạt cà phê ngon nhất do chính tay đồng bào K’Ho làm ra gửi tới khách hàng. Các thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đã đề ra, từ khâu chăm sóc, thu hái quả chín đến chế biến ướt".
Theo chị Nròng Hương, cà phê sạch phải sạch từ khâu làm đất, tức là ngưng hoàn toàn việc sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Về kỹ thuật làm phân compost, theo đúng liều lượng là 25% phân động vật, 25% phân nâu và 50% phân xanh (gồm các thành phần như phân chuồng, rơm, trấu, lá khô, thân và cành cây xanh).
Thu hoạch những quả cà phê canh tác hữu cơ của đồng bào K’Ho
Sau khi được Văn phòng Caritas Đà Lạt (tổ chức phi chính phủ) giới thiệu, tạo điều kiện đi tham quan những mô hình sản xuất cà phê hiệu quả ở TP Bảo Lộc và những vùng lân cận, các thành viên trong tổ hợp tác đã trao đổi, bàn bạc, tìm giải pháp, định hướng sản xuất mới. Đầu tiên, tổ áp dụng thử nghiệm việc cải tạo đất với diện tích nhỏ bằng cách giảm số lượng phân bón vô cơ, tăng cường phân ủ compost hữu cơ để bón cho cây.
"Lúc đầu bắt tay làm cà phê sạch, nhóm anh chị em người K’Ho chúng tôi vất vả lắm, bởi đây là hướng đi mới, phá vỡ hoàn toàn cách canh tác truyền thống trước nay" - chị Nròng Hương nhấn mạnh.
Tuyển chọn kỹ lưỡng những hạt cà phê đủ độ chín và chắc phơi trên giàn cao
Chị Nròng Thể, 1 trong 7 thành viên Tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee, cho biết việc thay đổi này ban đầu cũng bị chồng chị phản đối kịch liệt. Thậm chí, chồng chị chia đất ra mỗi bên một nửa, làm theo 2 hướng canh tác. Theo thời gian, việc không phải đeo từng bình thuốc nặng trên vai đi xịt trong vườn, tránh tiếp xúc chất hóa học độc hại mà cây cà phê vẫn xanh tốt, không sâu bệnh đã giúp chồng chị có cái nhìn khác, dần dần ủng hộ cách làm này.
Theo chị Nròng Thể, trồng cà phê sạch theo kiểu thuần tự nhiên, không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học thì đất ở đây như được hồi sinh, tơi xốp. Do đó, có thể canh tác thêm rau củ quả dưới tán cây cà phê để phục vụ nhu cầu hằng ngày.
Hướng đến sản phẩm OCOP
Sau gần 5 năm đi theo hướng canh tác mới, đến nay, sản phẩm cà phê hữu cơ, cà phê sạch của Oh Mi Kơ ho coffee đã chính thức được đưa ra thị trường.
Đóng gói sản phẩm cà phê chế biến của Oh Mi Kơ ho coffee để đưa ra thị trường
"Chúng tôi xây dựng 2 dòng sản phẩm chủ lực là cà phê hữu cơ và cà phê sạch trên diện tích 5,5 ha. Vì là sản phẩm mới, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến nên chủ yếu cung cấp trong tỉnh Lâm Đồng và cho khách hàng quen ở TP HCM. Nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm, thời gian qua, chúng tôi đã tham gia Phiên chợ Hữu cơ (Đà Lạt), bán hàng trên fanpage Facebook, Zalo… để khách hàng tiện tìm hiểu" - Tổ trưởng Tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee cho hay.
Các thành viên Oh Mi Kơ ho coffee không khỏi tự hào vì làm nông nghiệp sạch không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mình và người dùng mà còn góp phần cải tạo nguồn đất, bảo vệ môi trường.
Ông Bùi Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Hòa, nhận xét: "Đây là tổ hợp tác thành lập đầu tiên của xã, hoạt động theo hình thức liên kết chuỗi sản xuất để tạo vùng nguyên liệu cà phê sạch, đặc sản của địa phương. UBND xã Đinh Trang Hòa đã phối hợp với các ngành chức năng và tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee mở các lớp tập huấn để người dân địa phương ý thức về sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, bền vững. Từ đó, giúp thay đổi tư duy, phương thức canh tác, từng bước mở rộng quy mô sản xuất cà phê chất lượng cao".
Chị Nròng Hương cho biết hướng đi của Oh Mi Kơ ho coffee sắp tới là phát triển các sản phẩm của mình đạt chuẩn OCOP. Ngoài ra, tổ sẽ đầu tư trang thiết bị, máy móc mở rộng sản xuất, tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, chủ động mở rộng thị trường.
Bình luận (0)