Hàng điện tử vốn chứa nhiều chất độc hại. Khi các sản phẩm này hết thời hạn sử dụng, chúng phải được mang đến đúng nơi thu gom chất thải nguy hại để xử lý theo quy trình, không phát sinh ô nhiễm cho môi trường. Thế nhưng, trên thực tế, rất ít loại rác điện tử được xử lý đúng quy trình.
"Có thấy ai bị gì đâu"!
Tình trạng rác điện tử bị bỏ chung với rác sinh hoạt hoặc bán phế liệu, sau đó cơ sở phế liệu "xẻ thịt" để lấy linh kiện và kim loại tái sử dụng vẫn còn diễn ra phổ biến, thường xuyên tại nhiều nơi.
Đến một vựa phế liệu trên đường Lý Nam Đế, phường 7, quận 11, TP HCM, đập vào mắt chúng tôi là đống rác điện tử với vô số thiết bị, từ tivi, đầu đĩa đến máy ảnh, laptop, bàn phím, loa… Ông T. - chủ vựa thu mua phế liệu - cho hay ông và người làm công phân loại rác điện tử bằng cách dùng búa, kìm, vít để đập, tháo gỡ. Sau đó, họ phân loại các phần của thiết bị khi tháo rời.
"Đa phần ở khu này, nhân công chia ra tháo gỡ từng phần rác điện tử để lấy nhựa, đồng… Những phần còn lại không bán được như bóng đèn tivi, kính… thì chúng tôi liên hệ đơn vị thu gom mang đi xử lý. Ngoài việc thu mua tại chỗ, nhân công của vựa còn đi thu mua dạo rồi đem về phân loại, xử lý" - ông T. cho hay.
Rác điện tử được bày bán sau khi phân loại, xử lý tại một tuyến đường ở quận 11, TP HCM
Chúng tôi hỏi ông T. có biết cách "xẻ thịt" thiết bị điện tử như vậy sẽ làm tăng nguy cơ phát tán hóa chất độc hại ra môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người xung quanh không? Ông thản nhiên: "Tôi mở vựa thu mua nhiều năm rồi, vẫn làm như thế để phân loại cho dễ. Nếu bệnh thì chúng tôi đã bị đầu tiên, mà có thấy ai bị gì đâu?"!
Việc những người phân loại, xử lý rác điện tử chẳng lo lắng gì về sức khỏe của bản thân và cộng đồng cũng diễn ra tại hàng chục vựa thu mua phế liệu quanh khu vực quận 11, như đường Vĩnh Viễn, đường số 2, đường Lạc Long Quân…
Ở quận Tân Bình, TP HCM, một số điểm thu mua phế liệu trên đường Lê Tấn Quốc, Cộng Hòa… cũng tự xử lý rác điện tử. Một chủ vựa trên đường Lê Tấn Quốc cho biết khi có rác điện tử, nhân công sẽ tự tháo gỡ để lấy phần giá trị nhất là nhựa, đồng. Những phần khác không bán được thì cho vào túi, cuối ngày có người thu gom rác thải sinh hoạt mang ra bãi.
Không thể xử lý tùy tiện
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, trong thành phần cấu tạo pin, bình ắc-quy, bóng đèn tivi, màn hình LED, điện thoại thông minh, máy tính để bàn, máy tính bảng… có nhiều kim loại nặng, phi kim loại, hóa chất độc hại như chì, niken, crôm, thủy ngân, thậm chí nguyên tử phóng xạ...
Ông Lê Huy Bá cho rằng khi hết vòng đời sử dụng, những sản phẩm này phải được nhà sản xuất thu hồi hoặc các đơn vị chức năng thu gom, xử lý theo quy trình đối với chất thải độc hại. Không thể tùy tiện thải những sản phẩm này ra môi trường, phơi sương phơi nắng vì trong điều kiện nắng nóng, các hóa chất độc hại dễ phát tán, gây hại cho sức khỏe người xung quanh.
Rác điện tử được thu gom để “xẻ thịt” trên đường Lý Nam Đế, quận 11, TP HCM Ảnh: ÁI MY
Tại TP HCM, nhiều năm qua, việc tuyên truyền về thu gom, xử lý rác thải điện tử đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng các địa phương thực hiện thường xuyên để người dân và các cơ sở làm đúng cách. Ngoài ra, mỗi năm, thông qua chương trình "Ngày hội Sống xanh", Sở TN-MT còn tổ chức thu gom rác điện tử - đổi quà cho người dân…
"Rác điện tử là loại nguy hại, không thể để chung với rác thải sinh hoạt hoặc xử lý tùy tiện" - đại diện Phòng Quản lý chất thải rắn - Sở TN-MT TP HCM nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một lượng lớn chất thải độc hại từ rác điện tử vẫn bị trộn lẫn trong rác sinh hoạt, sau đó được đội ngũ thu gom đưa đi chôn lấp. Chất độc hại từ đây phát tán ra không khí, thấm vào đất và mạch nước ngầm, gây hại sức khỏe người dân, thậm chí dẫn đến những bệnh chết người.
Bà Mai Thị Thu Hằng, đại diện chương trình "Việt Nam tái chế", cho biết mỗi năm, chương trình thu gom 20 tấn rác điện tử các loại. Hiện nay, nhiều người dân đã ý thức hơn về tác hại của rác điện tử cũng như chủ động liên hệ để được thu gom.
"Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa rõ các điểm tổ chức thu gom rác điện tử hoặc thu gom tận nhà thế nào. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao việc tuyên truyền đến các khu dân cư, nhà trọ, ký túc xá… để người dân nắm rõ" - bà Hằng nhấn mạnh.
Thu gom, xử lý miễn phí
"Việt Nam tái chế" là chương trình thực hiện thu gom, xử lý miễn phí rác điện tử (được tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử). Đại diện chương trình này cho biết đã triển khai tại TP HCM 5 điểm đặt thùng tiếp nhận rác điện tử, gồm: Trung tâm MM Mega An Phú (quận 2); UBND phường 9, quận 3; UBND phường 17, quận Phú Nhuận; UBND phường 15, quận 4 và UBND phường 2, quận Bình Thạnh.
Từ năm 2018 đến nay, "Việt Nam tái chế" còn tổ chức mạng lưới đến tận hộ dân các quận nội thành thu gom miễn phí rác thải độc hại này với điều kiện hộ gia đình có ít nhất 1 thiết bị lớn (tivi, màn hình, máy vi tính, máy fax...) hoặc 10 thiết bị điện tử nhỏ.Ngoài ra, hưởng ứng "Ngày hội Sống xanh", "Ngày làm cho thế giới sạch hơn", mỗi năm, chương trình này đều tổ chức ngày hội "Đổi rác điện tử lấy quà" cho người dân.
Bình luận (0)