xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗ lực giảm thiểu rác thải đại dương ở Việt Nam

THU HỒNG

Tình trạng rác thải nhựa ở Việt Nam đang đến hồi báo động khi thói quen tiêu dùng đồ nhựa một lần có xu hướng gia tăng. Nếu tiếp tục tiến độ thải nhựa như thế này, rác thải nhựa có thể nhiều hơn cá trong đại dương

Cảnh báo này được nêu ra trong buổi ra mắt chiến dịch truyền thông "Quái nhựa" do Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) thực hiện, nằm trong khuôn khổ Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa - giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển", đang triển khai ở nhiều quốc gia có biển.

Cần nhiều chương trình, nhiều sáng kiến

Tại buổi ra mắt chiến dịch, mô hình "quái nhựa" được tạo nên từ 37 kg rác thải nhựa trưng bày tại trung tâm thương mại Pandora City (quận Tân Phú) thu hút khá đông khách tham quan. "Quái nhựa" sẽ được mang đi trưng bày tại nhiều trung tâm mua sắm của TP HCM nhằm nhắc nhở người dân về thói quen tiêu dùng sản phẩm nhựa.

Bà Thới Thị Châu Nhi, Phó Giám đốc CHANGE, cho rằng phần lớn rác thải nhựa thải ra đại dương trên thế giới đến từ các quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á do hệ thống quản lý chất thải tổng hợp chưa phát triển, kém hiệu quả. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có lượng rác nhựa thải ra biển nhiều nhất trên thế giới, với 6% tổng rác nhựa thải ra biển (số liệu của UNEP, 2018).

Nỗ lực giảm thiểu rác thải đại dương ở Việt Nam - Ảnh 1.

Vớt rác thải nhựa trên kênh Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo bà Nhi, nếu tiếp tục tiến độ thải nhựa như hiện nay, rác nhựa có thể sẽ nhiều hơn cá trong đại dương. Mỗi năm một người Việt Nam có thể tạo ra một "quái nhựa". Như vậy, 100 triệu người có thể tạo ra 100 triệu "quái nhựa"; những "quái nhựa" này sẽ lên rừng, xuống biển gây tổn hại cho đời sống của các sinh vật như chim chóc, cá tôm… Không chỉ vậy, quá trình phân hủy các "quái nhựa" sẽ tạo ra hàng triệu hạt vi nhựa theo gió, nước, không khí gây tổn hại đến sức khỏe con người, bằng chứng là một số nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy trong máu người có hạt vi nhựa.

"Thông qua chiến dịch này, CHANGE muốn nâng cao nhận thức của người Việt, đặc biệt là giới trẻ, về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và các nguy cơ của nó lên sức khỏe con người; từ đó, kêu gọi mọi người ngưng sử dụng nhựa dùng một lần. Không một tổ chức, cá nhân nào có thể đơn lẻ giải quyết triệt để nạn ô nhiễm này mà cần nhiều chương trình hành động, nhiều sáng kiến công nghệ và đặc biệt là không thể thiếu các chính sách mới của Chính phủ trong tiêu dùng rác thải nhựa" - bà Nhi đề xuất.

Cấp thiết tăng cường công tác quản lý

Nhận thấy mối nguy hại từ rác thải nhựa, năm 2019, UBND TP HCM ban hành kế hoạch giảm rác thải nhựa đến năm 2020 là "Kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2030". Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 80% các khu - điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ven biển không được sử dụng sản phẩm nhựa một lần và túi ni-lông khó phân hủy... Đến năm 2030, con số này tăng tương ứng lên 75% và 100%.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, ngoài tuyên truyền, giao nhiệm vụ cho các địa phương, chính quyền thành phố sẽ thống kê, điều tra, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và các hoạt động trên biển; hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại vận chuyển, xử lý rác thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển... Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước và có biện pháp xử lý vi nhựa từ nước thải khu đô thị và khu công nghiệp.

Tháng 5-2021, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội phải gương mẫu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa. Cũng như không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần (chai lọ nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm, tô nhựa, chén nhựa, ly nhựa...) tại công sở, hội thảo và các ngày lễ, sự kiện trên địa bàn thành phố.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng để giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần hiệu quả phải định hướng ngay từ khâu sản xuất; phải có lộ trình khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, dần chuyển sang sản xuất những sản phẩm phân hủy được, không gây ô nhiễm môi trường; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, lãi vay ngân hàng và hướng dẫn cặn kẽ để doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi. Tất nhiên, khâu cuối của lộ trình là việc xử phạt, chế tài nếu doanh nghiệp không tuân thủ các yêu cầu trên. 

Dự án triển khai tại 7 quốc gia

Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa - giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển" do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ; Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) GmbH và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc Pháp (Expertise France) triển khai. Dự án được triển khai tại 7 quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, nhằm tuyên truyền cho người trẻ thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng như tập trung thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, quản lý chất thải nhằm ngăn chặn tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường biển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo