Mưa lũ đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gây ngập trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhất là khu vực miền Trung. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Dễ mắc bệnh tiêu hóa, đường hô hấp...
Các chuyên gia Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết trong và sau mưa lũ, vô số vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh. Sau lũ lụt, các bệnh có nguy cơ gặp cao nhất là tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm, nước ăn chân...
Thực tế ở các vùng miền sau mưa lũ, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng rất nhanh. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp là tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn E.coli, Campylobacter... hoặc amíp. Nhóm các bệnh này dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, tiêu chảy cấp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam kiểm tra nguồn nước để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Ảnh: ÁNH MINH
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, làm gia tăng bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, các vector truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ cũng khiến nhiều bệnh dễ bùng phát. Đây là các bệnh rất dễ lây trên diện rộng. Để phòng bệnh, cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, diệt bọ gậy/lăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.
Các chuyên gia còn cảnh báo tình trạng thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp, phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Đặc biệt, sau những đợt mưa bão, điều kiện vệ sinh suy giảm, nước sinh hoạt có nguy cơ bị ô nhiễm là những yếu tố có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hay do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu. Cho đến nay, bệnh đau mắt đỏ cũng như sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng chống và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Làm sạch nguồn nước sinh hoạt
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, lưu ý trong thời điểm này, việc xử lý môi trường ngay và bảo đảm cung cấp nước sạch là yêu cầu cấp thiết để phòng bệnh.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và người dân tổ chức vệ sinh môi trường, với phương châm "nước rút tới đâu - vệ sinh môi trường tới đó". Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại những vùng có nguy cơ, nhất là tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ, ngập lụt. Cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Cloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị ngập lụt.
Theo các chuyên gia y tế, nếu người dân không có đủ nước đóng chai, đóng bình sử dụng thì cách đơn giản nhất để làm sạch nước trong trường hợp giếng nước bị ngập là dùng phèn chua hoặc lọc nhiều lần bằng vải sạch. Có thể dùng phèn chua với liều lượng 1g (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hòa lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Sau khi đã lọc trong nước, cần khử trùng nước trước khi dùng nguồn nước này trong sinh hoạt. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất (Chloramin B 0,25 g hoặc viên Aquatabs 67 mg) hoặc đun sôi.
Chuyên gia của Bộ Y tế cũng lưu ý trong thời gian mưa lũ, người dân không nên ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt. Trường hợp không có điều kiện đun nấu, tốt nhất sử dụng các loại mì ăn liền đóng gói, thức ăn đóng hộp, nước uống đóng chai còn nguyên vẹn.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân vùng lũ, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có công điện yêu cầu duy trì trực đội cơ động sẵn sàng chi viện cho khu vực bị thiên tai. Các tổ đội cơ động phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu.
Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa mưa lũ
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vừa đề nghị các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm tươi sống sau mưa lũ để đưa ra thị trường các loại hàng hóa không bảo đảm an toàn, vệ sinh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.
Bình luận (0)