Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa làm nóng hội trường Quốc hội mới đây bởi nội dung đề xuất tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh.
Cân rác để bảo đảm công bằng?
Giải thích rõ hơn về đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà nhấn mạnh nguyên tắc xả thải nhiều thì chi phí nhiều tương ứng. Việc cân rác thải để tính chi phí cũng sẽ không thực hiện theo cách cân từng lần thu gom rác mà thiết kế túi đựng theo từng dung tích và tính tiền theo từng kích cỡ túi. Với rác thải tái chế như giấy, đồ nhựa,… người xả thải không phải trả toàn bộ tiền xử lý loại này mà có thể có sự chia sẻ từ đơn vị tái chế. Đồng thời, nhà nước sẽ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt để người dân chỉ phải chi trả một phần chi phí.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên) không đồng tình với cách thức tính phí rác thải sinh hoạt như trên. Bởi lẽ, việc thiết kế túi chứa rác có thể làm phát sinh thêm rác thải trong bối cảnh ô nhiễm do quá tải rác thải từ các nguồn đang rất lớn. Chưa kể, có thể phát sinh thêm nhân lực, chi phí phát túi đến hộ gia đình, kiểm kê số lượng thu gom… Do vậy, dù ủng hộ quan điểm người dân phải trả thêm tiền nếu xả thải nhiều nhưng theo bà Hiền, cần cách làm phù hợp hơn.
Bên cạnh các ý kiến phản đối đề xuất của Bộ TN-MT với phương thức tính phí thu gom và xử lý rác thải chưa từng được áp dụng, không ít chuyên gia cho rằng đây là giải pháp hiệu quả. PGS-TS Vũ Thanh Ca (Trường ĐH TN-MT Hà Nội), nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng vấn đề rác thải hiện nay đòi hỏi phải có giải pháp về mặt hành chính, luật pháp bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Việc này không chỉ nhằm giảm xả thải bừa bãi mà còn tạo nguồn kinh phí cho xử lý các vấn đề môi trường. Đây cũng là việc thế giới đã thực hiện từ lâu để bảo đảm công bằng đối với người xả thải.
Việc rác thải chưa được phân loại tại nguồn tạo áp lực lớn cho xử lý rác, bảo vệ môi trườngẢnh: Tấn Thạnh
Biến rác thành tài nguyên
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, PGS-TS Vũ Thanh Ca khẳng định phân loại rác là tiêu chí đầu tiên để xử lý rác thải hiệu quả và tiết kiệm nhất theo hướng tái chế, tái sử dụng nhiều nhất có thể. "Hiện nay, nhiều khu vực đã không còn đủ diện tích đất để phục vụ chôn lấp rác thải, dẫn đến phải xây dựng lò đốt. Tuy nhiên, không phải lò đốt nào cũng bảo đảm chất lượng, nhất là không có thiết bị lọc khói bụi và khí độc, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa cuối thu, đông và đầu xuân, khi có hiện tượng nghịch nhiệt. Lúc đó, ô nhiễm không khí do các lò đốt rác thải không đạt chuẩn tạo ra tại vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ còn lớn hơn khói bụi do xe cộ và hoạt động xây dựng" - ông Ca chỉ rõ.
Để phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả, tránh tình trạng hô hào nhưng không thực hiện, các chuyên gia về môi trường góp ý cần tăng mạnh chế tài xử phạt với người không thực hiện quy định phân loại rác thải. Đồng thời, đơn vị thu gom rác cũng phải từ chối nhận rác thải đối với các hộ gia đình, chung cư, cơ quan, doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định phân loại. Việc giám sát cũng cần được coi trọng, ví dụ giám sát bằng camera ở các thành phố lớn, giám sát thông qua tổ dân phố, làng xã ở các vùng nông thôn…
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), nêu quan điểm phân loại rác tại nguồn chỉ có hiệu quả khi có hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng được nhu cầu. Trong đó, kết cấu hạ tầng của các khu chung cư mới, các khu đô thị mới cũng phải được nghiên cứu xây dựng theo quy chuẩn đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phân loại, thu gom tại nguồn. Nếu làm được những điều trên, rác thải mới có thể biến thành tài nguyên.
Ban hành danh mục chất thải nguy hại
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra các quy định mới về chất thải nguy hại. Trong đó, giao Bộ TN-MT ban hành danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Việc này giúp chủ nguồn thải không phải lấy mẫu để phân loại chất thải nguy hại, gây tốn kém. Dự thảo luật không khuyến khích đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại có phạm vi phục vụ trên địa bàn một tỉnh mà ưu tiên quy mô cấp vùng để đầu tư, quản lý bài bản hơn.
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với vỏ bao vì sản phẩm thải bỏ, trong đó quan trọng nhất là trách nhiệm tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền ban hành, hoặc có thể đóng một khoản tiền về Quỹ Bảo vệ môi trường và quỹ này sẽ chi trả trực tiếp cho đơn vị tái chế...
Bình luận (0)