Ngày nay, các nhu cầu của con người về sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp ngày càng cao, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Chính vì thế, các loại tinh dầu từ thảo mộc được ưa chuộng để sử dụng trong nhiều lãnh vực y học, chế biến nông sản, sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm… Một đặc điểm quan trọng, không thể thay thế, của tinh dầu so với các hợp chất hữu cơ tổng hợp khác là không gây hại môi trường và dễ phân hủy. Do có những công dụng thực tiễn quan trọng nên ngày càng có nhiều nghiên cứu cũng như khai thác về tinh dầu trên toàn thế giới.
Trước đây, với phương pháp truyền thống tách chiết tinh dầu bằng kỹ thuật lôi cuốn hơi nước, hay chưng cất, tinh dầu thu được thường sẽ nhiễm tạp chất là các dung môi dùng để lôi cuốn như nước, ethanol hay methanol. Do đó, chất lượng tinh dầu sẽ bị giảm đáng kể; cũng như khi sử dụng cho mục đích y học, thẩm mỹ, chế biến thực phẩm sẽ gặp trở ngại do không loại bỏ được hoàn toàn tạp chấp ra khỏi tinh dầu.
Khi công nghệ ngày càng phát triển, có nhiều phương pháp mới ra đời, đưa lại hiệu quả cao hơn, chất lượng an toàn hơn. Phương pháp mới thay thế cho phương pháp tách chiết tinh dầu bằng dung môi là CO2 siêu tới hạn. Nguyên lý của phương pháp này là CO2 được đưa lên nhiệt độ, áp suất cao hơn nhiệt độ, áp suất tới hạn của nó (trên TC = 31oC, PC = 73,8 bar) sẽ chuyển sang trạng thái siêu tới hạn. Tại trạng thái này, CO2 mang hai đặc tính: phân tách của quá trình trích ly và phân tách của quá trình chưng cất. Khi ở trạng thái này, nó có khả năng hòa tan rất tốt các đối tượng cần tách ra khỏi mẫu ở cả 3 dạng rắn, lỏng, khí. Sau quá trình chiết, để thu hồi sản phẩm, chỉ cần giảm áp suất thấp hơn áp suất tới hạn thì CO2 chuyển sang dạng khí ra ngoài, còn sản phẩm được thoát ra ở dưới dạng lỏng ở bình hứng. Như vậy, tinh dầu được lôi ra khỏi nguyên liệu hoàn toàn nhờ CO2 khi đạt trạng thái siêu tới hạn. Nhờ đó, hiệu suất của quá trình ly trích rất cao, có thể lên đến hơn 90%; đây là hiệu quả mà các phương pháp truyền thống khó có thể đạt được. Hơn nữa, việc tách chiết bằng phương pháp này, các sản phẩm tinh dầu giữ nguyên được hoạt tính của mình, không bị mất các hợp chất thứ cấp mong muốn như phương pháp truyền thống. Thêm nữa, sử dụng CO2 như một loại dung môi để tách chiết, kết thúc quá trình, CO2 được loại bỏ khỏi tinh dầu dưới dạng khí và có thể thu hồi tái sử dụng.
Vận hành hệ thống tách chiết tinh dầu bằng phương pháp CO2 siêu tới hạn Ảnh: TIẾN DUY
Với công nghệ hiện đại này, việc sản xuất hay tách chiết tinh dầu để đạt được chất lượng tinh dầu tinh khiết là điều dễ dàng. Hơn nữa, hệ thống CO2 siêu tới hạn có thể tinh luyện tinh dầu một mẻ với số lượng lớn hơn rất nhiều so với phương pháp ly trích bằng hơi nước và kết thúc trong thời gian ngắn nhất có thể nên tiết kiệm được chi phí về thời gian, nhân công, giảm giá thành sản xuất. Ngoài ra, đây còn được coi là phương pháp thân thiện với môi trường do ít loại thải những chất thải ra môi trường (khói, bụi, nước thải…) như cách chưng cất truyền thống.
Ở Việt Nam, tại các thành phố lớn, nhiều đơn vị, cá nhân cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ này để tách chiết tinh dầu nhiều loại nguyên liệu như tinh dầu gấc, tinh dầu sả, gừng, ngò, bưởi… để sử dụng trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Các loại tinh dầu sau khi được ly trích bằng phương pháp này cho chất lượng ổn định, tinh khiết hơn nên giá thành cũng không cao, được người dùng tín nhiệm. Không chỉ sử dụng cho tách chiết tinh dầu, phương pháp này còn đang được sử dụng tách chiết các hoạt chất thứ cấp, đặc biệt là các chất khó ly trích bằng phương pháp thông thường, để cho ra nguồn nguyên liệu tốt nhất có thể dùng làm dược liệu chữa nhiều loại bệnh nan y.
Bình luận (0)