Tháng 7, gió mùa Tây Nam thổi mạnh từ biển vào khu vực Hòn Rơm - Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cũng là lúc rác thải ngoài đại dương theo các cơn sóng liên tục tấp vào bờ. Sóng càng lớn, rác càng nhiều, thủy triều dâng lên rồi rút đi, để lại các lớp rác kéo dài cả cây số.
Bất lực!
Đây cũng là lúc nhiều bãi tắm thuộc khu du lịch quốc gia Mũi Né ngập trong rác.
Tại khu vực làng chài Mũi Né, nơi được nhiều du khách lựa chọn đến tham quan, chụp ảnh, từng lớp rác thải là các túi ni-lông, hộp xốp, rác thải nhựa và cả vỏ các loài hải sản… lần lượt hiện ra sau các cơn sóng biển. Chị Hà Bích Dung, du khách TP HCM, đang kỳ nghỉ hè cùng gia đình tại đây cho biết ngoài nghỉ dưỡng trong khu resort, gia đình chị cũng cho các con đi tham quan một số địa danh tại Phan Thiết. Tuy nhiên khi đến làng chài này mình thấy bãi biển nhiều rác quá làm cho các khung hình lưu niệm của gia đình không được đẹp nên thấy rất tiếc.
Bà Vân, hộ buôn bán thức uống tại khu vực làng chài Mũi Né thì than vãn: "Hơn nửa tháng qua, khi thời tiết chuyển gió thì rác thải từ ngoài biển bắt đầu tràn vào. Lúc trước, cũng thấy phường Mũi Né huy động lực lượng ra dọn dẹp nhưng sau đó vài ngày lại có lớp rác mới xuất hiện. Du khách họ phàn nàn lắm nhưng biết làm sao bây giờ".
Ông Bùi Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Mũi Né, nói địa phương gần như "bất lực" trước nạn rác thải tấp vào từ biển, mỗi khi mùa gió Nam thổi. Theo ông Lâm, tình trạng rác thải nhiều trên biển là ý thức bảo vệ môi trường của ngư dân khi đánh bắt hải sản trên các vùng biển vẫn còn kém. Rác tấp vào bờ là do dòng nước đẩy từ ngoài vào. Để giải quyết vấn đề rác thải đại dương, không thể chỉ một địa phương. "Về phần mình, chúng tôi đang lập kế hoạch để tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của ngư dân, sẽ trao cho các chủ phương tiện tàu thuyền thùng rác để lắp đặt, sử dụng khi hoạt động trên biển. Ngoài ra, ở các bãi tập kết hải sản, chúng tôi cũng sẽ quy hoạch các nơi tập kết rác để bà con ngư dân có thể bỏ túi ni-lông, vỏ hải sản đúng nơi quy định. Mặt khác, chính quyền cũng sẽ thường xuyên ra quân dọn dẹp kết hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân" - ông Bùi Ngọc Lâm thông tin.
Rác thải từ đại dương tấp đầy vào bờ biển Mũi Né
Xây kè lưới chắn rác?
Tiến sĩ Lê Đình Mầu, Viện Hải dương học (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho rằng đã hàng chục năm bờ biển vịnh Phan Thiết bị rác thải trôi dạt tấp vào bờ nhưng nay tình hình chưa được cải thiện nhiều, tác động xấu đến các hoạt động du lịch của địa phương, nhất là đoạn bờ tại Mũi Né và lân cận. Loại rác thải tấp vào bờ chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Một số thời điểm tại đây xuất hiện rác thải có nguồn gốc từ ngoài khơi như dầu vón cục, xác sinh vật thối rữa do hiện tượng thủy triều đỏ (xuất hiện thời kỳ gió mùa Tây Nam), rác thải từ các tàu biển…
Phân tích nguyên nhân, cơ chế hiện tượng rác thải trôi dạt tại vịnh Phan Thiết, tiến sĩ Lê Đình Mầu cho rằng thời kỳ gió mùa Tây Nam thịnh hành (tháng 7 đến tháng 9 hằng năm) cũng là mùa mưa tại Phan Thiết nên nguồn rác thải (chủ yếu là rác thải sinh hoạt - rác thải nhựa) từ các cửa sông Cái, Cà Ty đổ ra vịnh Phan Thiết mạnh nhất. Trong thời kỳ này, ngoài khơi vịnh Phan Thiết, dòng rác thải có nguồn gốc từ các khu vực phía Nam (thị xã La Gi, Bình Thuận; các địa phương vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…) trôi dạt theo dòng hải lưu mùa hè, đi vào khu vực vịnh Phan Thiết. Lượng rác thải này cũng góp một phần tăng lượng rác thải có sẵn do các con sông Cà Ty, sông Cái đổ ra. Phần lớn rác thải từ các cửa sông Cà Ty, sông Cái đổ ra vịnh Phan Thiết sẽ trôi dạt dọc bờ về khu vực Hàm Tiến - Mũi Né và Mũi Né đã chặn dòng rác thải trôi dạt này lại. Lúc này sóng biển và thủy triều sẽ tấp chúng lên bãi biển...
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, tình trạng rác tại các bãi tắm biển vào thời điểm đầu mùa gió Tây Nam (tháng 4) và Đông Bắc (tháng 10) hằng năm, bước đầu có thể nhận định phần lớn là do rác thải nhựa, ngư cụ hư hỏng trong quá trình khai thác thủy sản của người dân. Ngoài ra, trong lĩnh vực du lịch, sản phẩm nhựa được sử dụng trong hầu hết các dịch vụ cung cấp cho du khách.
Để giảm lượng rác thải trôi dạt tại vịnh Phan Thiết, tiến sĩ Lê Đình Mầu cho rằng ngoài tăng cường nâng cao ý thức người dân, dọn dẹp bãi biển thì cũng có thể thử nghiệm giải pháp công trình: xây dựng "kè" vuông góc với bờ bằng lưới ra đến độ sâu khoảng 5 m nhằm chắn bớt dòng rác thải trôi dạt dọc bờ có hướng Hàm Tiến - Mũi Né.
Bình luận (0)