Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa có Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019. Theo đó, rác thải rắn sinh hoạt (rác thải) trong năm này đã lên đến 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị: 35.624 tấn/ngày; khu vực nông thôn: 28.394 tấn/ngày), tăng 46% so với năm 2010.
Rác thải tính bằng triệu tấn
Các địa phương có khối lượng rác thải phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25%. Khối lượng rác thải tăng đáng kể ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao và du lịch như TP HCM (9.400 tấn/ ngày), Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hóa (2.175 tấn/ngày), Hải Phòng (1.982 tấn/ngày), Bình Dương (2.661 tấn/ngày), Đồng Nai (1.885 tấn/ngày), Quảng Ninh (1.539 tấn/ngày), Đà Nẵng (1.080 tấn/ngày) và Bình Thuận (1.486 tấn/ngày).
Theo Bộ TN-MT, khối lượng rác thải phát sinh tại các đô thị phụ thuộc vào quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và đang có xu thế ngày càng tăng. Tổng khối lượng rác thải phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 13 triệu tấn/năm, chiếm 55% khối lượng của cả nước, trong đó TP HCM có khối lượng phát sinh lớn nhất và kế đến là Hà Nội. Chỉ tính riêng 2 đô thị này, tổng lượng rác thải phát sinh chiếm 33,6% tổng lượng rác thải đô thị phát sinh trên cả nước.
Tính theo vùng phát triển kinh tế - xã hội, các đô thị vùng Đông Nam Bộ có lượng rác thải lớn nhất với 4,6 triệu tấn/năm, chiếm 35% tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị cả nước, tiếp đến là các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng với lượng hơn 3 triệu tấn/năm (chiếm 24%). Các đô thị vùng Tây Nguyên có lượng rác thải thấp nhất, khoảng 543.000 tấn/năm (chiếm 4%).
Cùng với mức gia tăng rác thải trong nước, rác thải từ nước ngoài với thành phần đa dạng được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức phế liệu nhập khẩu để sản xuất chưa bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cũng tạo gánh nặng quản lý. Nếu năm 2016 tổng khối lượng các loại phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 3,5 triệu tấn thì sang năm 2017 tổng khối lượng phế liệu đã tăng lên khoảng 7,9 triệu tấn.
Người dân hằng ngày phải chịu đựng nguồn rác thải ô nhiễm tại một tuyến đường nằm trong Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình (Hà Nội)
Ô nhiễm từ... khu xử lý
Theo báo cáo của Bộ TN-MT, công tác quản lý rác thải còn nhiều bất cập như tỉ lệ thu gom ở nông thôn còn chưa cao; chưa được phân loại tại nguồn; tỉ lệ tái chế còn thấp; phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh… Những bất cập này đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc ở nhiều địa phương thời gian qua.
Pháp luật quy định việc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp phải bảo đảm vệ sinh. Tuy nhiên, cả nước chỉ có một số bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các đô thị lớn. Tất cả các bãi chôn lấp lộ thiên, bãi đổ tạm còn lại đều chưa bảo đảm yêu cầu theo quy định. Cả nước có 116 bãi rác thuộc diện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đến năm 2019 mới chỉ có 8 bãi rác hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
Phần lớn rác thải được xử lý trong các bãi chôn lấp với thiết kế không hợp vệ sinh, gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Hiện có 660 bãi chôn lấp ở Việt Nam nhưng chỉ có 30% trong số này được xếp loại là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. TP Hà Nội và TP HCM cũng có các bãi chôn lấp lớn với diện tích tương ứng 85 ha và 130 ha. Chỉ có 9% bãi chôn lấp có cân trọng lượng, 36% có lớp lót đáy. Hầu hết các bãi chôn lấp không có máy đầm nén, hệ thống thu gom khí, xử lý nước rỉ rác hoặc hệ thống quan trắc môi trường.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết giai đoạn 2016-2020, một trong những mục tiêu là xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa xử lý được các bãi chôn lấp này do thiếu nguồn lực.
Tỉ lệ thu gom rác thải ở Việt Nam trung bình năm 2019 tại khu vực đô thị đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%. Để xử lý rác thải đã thu gom được, đến năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở, gồm: 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh), góp phần xử lý lần lượt là 13%, 16% và 71% tổng khối lượng CTRSH được thu gom.
Bãi rác Nam Sơn (TP Hà Nội) Ảnh: NGÔ NHUNG
Gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm
Có thể thấy hình ảnh về các bãi rác lộ thiên gây mất mỹ quan tại các đô thị, khu dân cư, khu vực công cộng; ô nhiễm môi trường đất, nước mặt, nước ngầm do nước rỉ rác với nhiều thành phần kim loại nặng và chất nguy hại… CTRSH bị đổ xuống mạng lưới thoát nước gây tắc nghẽn, các chất thải lắng xuống đáy làm tăng khối lượng trầm tích phải nạo vét hằng năm; khí nhà kính, khí gây ô nhiễm môi trường hoặc mùi hôi phát sinh từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm dư thừa, xác động thực vật…) trong CTRSH, khí thải từ các lò đốt CTRSH là những nguồn gây ô nhiễm môi trường. Nghiêm trọng hơn, các loại vi khuẩn, mầm bệnh trong đất, nước, không khí bị ô nhiễm gây ra những bệnh liên quan đến hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, bệnh về da liễu...
Quá trình đốt rác thải lại phát sinh bụi, hơi nước và khí thải. Nếu không có biện pháp kiểm soát đúng quy định, những chất ô nhiễm này có thể góp phần gây nên các bệnh về hen suyễn, tim, làm tổn hại đến hệ thần kinh và đặc biệt là dioxin/furan có khả năng gây ung thư rất cao.
Theo Bộ TN-MT, việc phân loại CTRSH tại nguồn giữ một vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn, Hà Nội và TP HCM đã triển khai thí điểm chương trình phân loại CTRSH (từ những năm 1999 tại TP HCM và năm 2007 đối với Hà Nội), đến nay nhiều địa phương trên cả nước cũng đã triển khai thí điểm chương trình này, tuy nhiên kết quả đạt được chưa như mong đợi.
Về giải pháp, Bộ TN-MT cho rằng cùng với các giải pháp tổng thể, lâu dài, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND từ cấp tỉnh tới huyện, cấp xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành "Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam" và "Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam" để triển khai thực hiện.
Thu phí rác thải theo khối lượng
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, quy định từ năm 2025, người dân sẽ không đóng phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo bình quân từng hộ như hiện nay mà đóng theo khối lượng, nghĩa là thải bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu và theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, thải ra nhiều phải trả nhiều tiền hơn.
Cụ thể, CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Hộ gia đình, cá nhân có phát sinh CTRSH phải thực hiện phân loại chất thải theo quy định, đồng thời có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Bình luận (0)