Nhiều năm qua, tôi đã di chuyển đến nhiều nơi để sống và làm việc. Tôi đã đến châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc… và gặp nhiều người ở nhiều nền văn hóa khác nhau.
Bất ngờ và cảm động
Nhiều người trong số đó có thể có những đặc điểm tính cách khác nhau nhưng điểm chung là sống với tinh thần cống hiến cho cộng đồng. Họ không hề coi đó là chuyện to tát hay cần phải gán cho nó một ý nghĩa cao quý. Với họ, đó là những việc mà bản thân thấy cần phải làm, đơn giản như chúng ta sống cần không khí để thở, nước để uống và thức ăn để ăn vậy.
Anh bạn đồng nghiệp người Đức khá thân của tôi là một người như vậy. Tôi làm việc cùng anh khoảng 3 năm. Chúng tôi trò chuyện rất nhiều về cuộc sống, sở thích, thói quen và những điều ngoài công việc. Dù có mức thu nhập rất cao nhưng anh là người cẩn trọng trong chi tiêu, thậm chí có phần tằn tiện.
Một lần nọ, anh mời vợ chồng tôi đến nhà ăn trưa. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến nhà anh vì anh vốn bận chăm sóc người vợ bị ung thư giai đoạn cuối trong 2 năm. Hôm đó, khi đến nhà anh, tôi rất ngạc nhiên vì thấy trên cánh cửa tủ lạnh gắn ảnh của 3 cháu bé. Tôi chắc rằng đó không phải con anh vì 1 bé người châu Phi, 2 bé còn lại người Mông Cổ. Đó là những tấm ảnh các cháu ở trường học hoặc trong một buổi đi chơi cùng các bạn ở lớp.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Tôi nghĩ nếu ảnh để ở cùng khu vực với các thành viên khác trong gia đình thì hẳn các bé có mối quan hệ rất gần gũi với anh nên không nén nổi tò mò. Anh cho biết đó là những bé mà anh đỡ đầu từ một tổ chức từ thiện cho việc học hết bậc phổ thông và đại học hoặc học nghề.
Tôi vỡ lẽ, vậy là ngoài việc nuôi 3 con ruột và chăm sóc người vợ đau yếu nhiều năm liền, anh còn là cha đỡ đầu cho 3 đứa trẻ ở những nơi mà anh chưa một lần được đặt chân tới. Một trong 3 đứa đã chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa trường cao đẳng và anh nói rất mừng khi cậu ta vẫn lựa chọn tiếp tục việc học.
Câu chuyện của anh khiến tôi rất bất ngờ và cảm động. Tôi chợt cảm thấy thật xấu hổ vì trong thâm tâm từng ngầm đánh giá anh qua những thói quen chi tiêu có phần tằn tiện.
Lần khác, tôi đi bỏ rác tái chế và tình cờ làm quen với vị bác sĩ về xương khớp thuộc bệnh viện của Trường Đại học Basel (Thụy Sĩ) - một bệnh viện lớn nhất của thành phố. Ông hỏi tôi có phải người Việt Nam không khiến tôi kinh ngạc. Trước giờ, khi ra nước ngoài, tôi thường chỉ được hỏi có phải người Trung Quốc hay không. Đây là lần đầu tiên có một người châu Âu chỉ nhìn tôi mà hỏi trúng phóc nên tôi không thể không tìm hiểu về ông.
Hóa ra, vị bác sĩ ấy nhận biết tôi là người Việt Nam vì ascent (âm điệu) sử dụng tiếng Anh của tôi khi trò chuyện là âm điệu tiếng Anh của người Việt. Điều đó giống như kiểu tôi dễ dàng nhận ra người Pháp, người Đức, người Ấn Độ… qua cách nói tiếng Anh mang đặc trưng âm sắc ngôn ngữ bản địa của đất nước họ. Ông nhận ra tôi là người Việt vì đã đến Việt Nam nhiều lần khi tham gia các chương trình thiện nguyện lắp chân tay giả cho nạn nhân bom mìn.
Ngoài ra, vị bác sĩ này còn xin được các chương trình tài trợ học bổng để một số bác sĩ về xương khớp ở Việt Nam được sang tu nghiệp tại bệnh viện Basel. Ông cho biết nguồn tiền tài trợ không phải của một mình ông mà là do một quỹ được thành lập bởi nhóm người có mối quan hệ thâm tình nhiều năm. Quỹ này hằng năm đều giải ngân hàng triệu USD cho các chương trình thiện nguyện trên thế giới. Do có chuyên môn sâu về ngành xương khớp nên ông phụ trách những chương trình liên quan lãnh vực này.
Việc gì có thể làm được thì làm
Nói chuyện Tây rồi, tôi muốn vòng về lại Việt Nam bởi ở đâu cũng có những con người nhân hậu với trái tim ấm áp, rộng lớn như vậy.
Nhờ một sự tình cờ hy hữu mà tôi biết một người phụ nữ mà mình thật ngưỡng mộ ở Việt Nam. Chị là giám đốc chi nhánh của một trong những ngân hàng nhà nước lớn nhất ở Việt Nam. Một gia đình khá giả như gia đình chị, tôi hoàn toàn có thể hiểu nếu chị có một cuộc sống "đại gia", kiểu 3 ngày một tiệc nhỏ, 7 ngày một tiệc lớn; thừa khả năng sắm siêu xe, siêu biệt thự...
Thế nhưng, ngoài việc vô cùng hào phóng với bạn bè, chị lại không một chút nào phô trương vật chất. Thậm chí, ngay cả với 2 người con của mình - một gái và một trai, trừ việc học là thứ cần đầu tư không giới hạn, chị không chiều bọn trẻ kiểu "rich kid" (con nhà giàu). Chỉ đến khi rất thân nhau, tôi mới biết ngoài 2 con ruột, chị còn có rất nhiều con đỡ đầu. Đó là những trẻ có tinh thần hiếu học nhưng điều kiện gia đình khó khăn, được chị nhận tài trợ phần học tập và chi phí sinh hoạt cho đến khi ra trường có việc làm. Trong số đó, 4 bạn sẽ trở thành bác sĩ trong tương lai gần.
Điều khiến tôi không chỉ khâm phục mà còn rất ngưỡng mộ chị là cách người phụ nữ này "cho đi". Người Việt chúng ta có một câu rất hay "Của cho không bằng cách cho", đó là điều ý nghĩa nhất mà tôi học được từ chị.
Là người tài trợ kinh phí học tập cho các sinh viên đỡ đầu nhưng không chỉ cho họ tiền, chị còn cho họ những thứ quan trọng hơn: sự động viên, tình cảm và sự trân trọng. Khi tôi bày tỏ sự cảm phục của mình với những việc làm tốt đẹp mà chị đã âm thầm thực hiện bao năm qua, chị chỉ cười: "Chuyện gì cần làm mà mình có thể làm được thì làm thôi, không có gì to tát cả".
Thật thú vị, đó cũng chính là những gì tôi nghe được từ anh bạn đồng nghiệp người Đức hay vị bác sĩ người Thụy Sĩ. Khi nói về những điều tốt đẹp đã làm cho người khác trong cuộc đời, họ chỉ mỉm cười: "Đó là những việc ít nhất mình có thể làm được trong cuộc đời, vì mình cũng nhận được rất nhiều từ chính cuộc sống của mình".
Dường như ai trong chúng ta, một lúc nào đó, hầu như mỗi ngày đều có thể cho đi. Đó đơn giản chỉ là một cái nắm tay chia sẻ, một nụ cười ấm áp, một câu nói khích lệ, một hành động dũng cảm để bảo vệ lẽ phải… Chỉ có điều, chúng ta có khi nào dừng lại để hỏi mình hôm nay có việc gì nên làm và có thể làm?
Những năm qua, đôi khi tôi vẫn nghe đâu đó câu nói khá phổ biến "cho đi sẽ được nhận lại". Điều này khiến tôi thấy rất lấn cấn. Có thể câu đó không sai. Một cách nào đó, khi chúng ta gieo nhân lành thì sẽ gặt quả ngọt. Ông bà mình cũng dạy "ở hiền gặp lành" để con người hướng thiện.
Tôi nghĩ nếu động lực của việc cho đi là để nhận lại (thậm chí còn mong nhận lại nhiều hơn!) khiến người ta "cho đi" nhiều hơn thì cũng tốt thôi. Thế nhưng, nếu cho đi chỉ đơn giản vì đó là việc nên làm và có thể làm thì cuộc sống của chính người "cho đi" sẽ nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn nhiều.
Bình luận (0)