Khi mới sang Thụy Sĩ làm việc, trong tháng đầu tiên, tôi được công ty thuê cho một căn hộ thuộc kiểu service apartment (căn hộ khách sạn có các dịch vụ dọn dẹp). Sau đó, tôi chuyển đến một căn hộ khác, cũng do công ty thuê dài hạn.
Bài học từ chiếc túi đựng rác
Trước khi chuyển sang căn hộ này, tôi vào siêu thị mua một số đồ dùng để bắt đầu cuộc sống mới. Tôi rất ngạc nhiên khi đi hết mấy siêu thị mà không thấy bán túi đựng rác, cứ thắc mắc sản phẩm này sao khan hiếm như thế.
Hôm dọn nhà, tôi mang theo vài chiếc túi ni-lông màu đen mà mấy chị dọn dẹp căn hộ hay sử dụng đựng rác. Tôi nghĩ dùng tạm vài hôm cho đến khi siêu thị có hàng trở lại.
Ngày nhận căn hộ mới, tôi được người của công ty bất động sản quản lý khu nhà này dẫn đi một vòng, chỉ dẫn những tiện ích xung quanh. Họ nhắc đi nhắc lại rằng căn hộ này có vị trí rất thuận tiện vì có thể đi bộ tới… trạm phân loại rác! Tôi rất thắc mắc về "ưu điểm địa lý" này nhưng lúc đó khá mệt, lại cho là việc không quan trọng nên bỏ qua.
Không cần đợi quá lâu, tôi đã có câu trả lời rất nhanh chóng - một câu trả lời khá đắt đỏ, trị giá hơn 200 franc Thụy Sĩ! Ngày đầu tiên đi bỏ rác, thấy chiếc túi của mình màu đen, rất nổi bật giữa những chiếc túi đựng rác của hàng xóm đều màu xanh, tôi có chút băn khoăn. Song, tôi lập tức lý giải có thể túi màu đen là đợt cũ, đã hết hàng nên mình đi kiếm đỏ con mắt không thấy bán, bây giờ người ta mới nhập lại hàng rồi và nó màu xanh. Tôi thản nhiên bỏ túi rác đen của mình lạc lõng trong đám túi xanh kia và đi về. Mấy ngày sau, tôi nhận được trong hộp thư một biên lai đóng phạt 200 franc Thụy Sĩ. Hồi nào giờ, tôi cứ tưởng bị "bồ đá" là đau rồi, không ngờ mất tiền kiểu này còn đau hơn!
Tìm hiểu, tôi được biết túi màu xanh là loại túi chuẩn để bỏ rác, chỉ được mua tại quầy thanh toán, tức là mình phải yêu cầu thì nhân viên khu vực thu ngân mới đưa ra. Loại túi này được bán với giá rất cao, đến mức tôi ngỡ ngàng, kiểm tra tới lui xem có phải hàng hiệu gì hay không. Tất nhiên là không phải hàng hiệu nhưng nó được sản xuất ở một nơi đặc biệt, chỉ nơi đó mới có giấy phép sản xuất loại túi đựng rác này.
Thực chất, người dân mua những chiếc túi màu xanh ấy chính là một hình thức trả tiền cho dịch vụ thu gom rác của thành phố. Chính quyền đã có một chính sách thông minh và công bằng: ai thải nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền, bằng chính việc mua nhiều túi đựng. Ai không tuân thủ việc này thì phải đóng tiền phạt rất cao.
Từ ngày phải "trả tiền ngu" này, tôi khôn hẳn ra. Tôi bắt đầu học cách đọc các nhãn bao bì để biết loại nào được phép tái chế. Những loại này tôi không bỏ vào túi màu xanh mà được phép mang ra trạm phân loại rác tái chế. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao căn hộ của mình có vị trí "đắc địa"!
Với những loại rác không được tái chế, tôi tìm cách làm gọn chúng lại để không chiếm diện tích trong túi đựng - một cách tiết kiệm, như bóp dẹp bình, hộp hay xếp nhỏ bao bì. Tôi cũng cố gắng tự xử lý một phần rác thải, như bã trái cây sau khi ép nước thì dùng để bón cây, vỏ trứng thì được giã dập bỏ vào bồn cây...
Việc sử dụng túi đựng rác sao cho hiệu quả chỉ là một trong những bài học quan trọng về tính tiết kiệm mà tôi đã học được trong thời gian gần 10 năm sống ở Thụy Sĩ - một trong những nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Cũng cần biết rằng Basel, nơi tôi sống và làm việc, là một trong 3 thành phố có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất Thụy Sĩ - khoảng 180.000 USD/năm cho người có trình độ đại học trở lên.
Càng nghèo càng phải biết tiết kiệm
Khi đến sống ở các nước giàu có, bạn mới nhận ra những nước khác đã và đang không biết tiết kiệm như thế nào.
Khi đã có ý thức tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất như chiếc túi đựng rác thì người ta sẽ hình thành nên tư duy để tối đa hóa những nguồn lực mà họ có. Đó có thể là tiền, là nhân công... nhưng quan trọng nhất là thời gian.
Tôi vốn có nền tảng kiến thức về tài chính và làm việc trong lĩnh vực này nhiều năm nên luôn ghi nhớ một bài học kinh điển: Tiền tiêu đi luôn dễ hơn tiền kiếm ra. Giới đầu tư đã đúc kết công thức: Trong 5 cơ hội mất tiền thì mới có 1 cơ hội kiếm ra tiền.
Với bài học về tính tiết kiệm từ những người sống ở một trong những nước giàu nhất thế giới, tôi hiểu ra rằng 1 đồng ta tiết kiệm được cũng chính là 1 đồng ta kiếm ra. Tức là, chỉ cần tiết kiệm được 1 đồng thì chúng ta đã thành công với 1 cơ hội kiếm tiền trong 5 cơ hội mất tiền.
Quay trở lại bài học về tính tiết kiệm, ông bà ta ngày xưa đã đúc kết "Tiểu phú do người, đại phú do trời" - ý là muốn giàu lớn thì cần có trời giúp, còn giàu vừa phải thì do cần kiệm mà nên. Cần kiệm là vừa chăm chỉ vừa tiết kiệm. Như vậy, chỉ cần chịu khó làm ăn và biết thu vén, không tiêu xài hoang phí thì ít nhất mỗi người chúng ta cũng đều có thể có một cuộc sống ấm no, sung túc.
"Nếu hoang phí tiền vào những thứ không cần, sẽ đến lúc bạn phải bán những thứ mình cần". Tỉ phú Warren Buffett, một trong những người giàu nhất thế giới, đã nói như vậy. Ông cũng là một trong những người cho đi nhiều nhất trong thế giới của chúng ta.
Khi về Việt Nam, thỉnh thoảng tôi lại nghe những câu như: "Sống ở nước ngoài mà keo dữ vậy, cân nhắc từng đồng". Tôi không khi nào thấy ngượng với những câu nhận xét như thế. Theo tôi, người nói ra những điều đó là người... không kiếm ra nhiều tiền. Một người biết kiếm ra tiền thường không bao giờ nói những câu như thế.
Thực ra, tôi cũng từng có những định kiến sai lầm về người giàu. Tôi từng cho rằng người giàu là người mua được tất cả những gì họ muốn và họ sẽ luôn làm như thế, ít nhất là để chứng tỏ mình giàu. Sau này, tôi nhận ra người giàu thường chỉ mua những thứ họ cần, chứ không phải mua những thứ mà họ có khả năng chi trả. Người thực sự giàu cũng không có nhu cầu chứng tỏ sự giàu có của mình, trừ trường hợp đó là một phần trong công việc làm ăn, kinh doanh của họ.
Bình luận (0)