Mỗi ngày, có hàng ngàn con chim trời như cò, vạc, coi cói và các loài sáo tìm đến trú ngụ. Thỉnh thoảng, các loài chim di cư quý hiếm như cò nhạn, bồ nông cũng tìm đến. Cứ vào lúc chập tối và rạng sáng, lũ chim lại kêu ran cả góc vườn.
Ông Lành nói mục đích trồng tràm ban đầu là để phát triển kinh tế nhưng khi thấy chim trời tìm đến trú ngụ ngày một nhiều, ông không nỡ cưa tràm bán, dù cây đã đến chu kỳ khai thác. "Nhiều người hỏi mua tràm, khi nghe tôi nói lý do giữ lại để bảo vệ chim trời, cho rằng tôi gàn. Dù thế, tôi tự hứa với mình ngày nào chim trời còn tìm đến trú ngụ, tôi sẽ quyết tâm bảo vệ chúng và giữ lại vườn tràm này" - ông Lành trải lòng.
Chim trời tìm đến vườn tràm của ông Lành trú ngụ
Nhiều năm đứng ra bảo vệ chim trời, ông Lành cũng đụng chạm khá nhiều người thích trò giăng lưới, bắn chim trời. Mỗi lần chạm mặt họ, ông đều lựa lời thuyết phục, ngăn chặn. Hằng đêm, hễ nghe bầy chim nháo nhác kêu là ông Lành lại thức dậy, rọi đèn quan sát. Cũng có những lần ông không ngăn chặn kịp thời nên đàn chim bị đe dọa đồng loạt rời đi. "Đó là năm 2020, một số người dùng súng bắn khiến lũ chim hoảng sợ, bay đi ngay trong đêm. Phải 2 tháng sau chúng mới trở lại, từ đó tôi dặn mình phải bảo vệ tốt hơn" - ông nhớ lại.
Là nhân viên thú y của xã Vĩnh Sơn nên thấy những con chim bị thương rơi xuống vườn, ông Lành đem vào nhà chữa trị. Chủ yếu sát khuẩn, băng bó lại rồi bắt tôm, cá dưới ao lên cho chúng ăn. Đến lúc chúng lành vết thương thì thả ra tự nhiên. "Nhưng cũng có nhiều con mình không cứu được" - ông Lành tâm sự.
Thấy ông Lành thực tâm bảo vệ chim trời nên thời gian qua, nhiều người dân cũng động viên, ủng hộ. Khi thấy các đối tượng bẫy bắt chim trời xuất hiện, họ đều gọi điện báo cho ông biết để tìm cách ngăn chặn.
Bình luận (0)