Tổng cục Thủy sản Thái Lan (DOF) phát triển các rạn san hô nhân tạo từ năm 1978, giai đoạn thử nghiệm đến xây dựng dải san hô nhân tạo ở các ngư trường quan trọng. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven biển, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, hạn chế cường lực khai thác ven bờ và chống đánh bắt bất hợp pháp là những ưu điểm từ rạn san hô nhân tạo.
Thái Lan thả rạn san hô nhân tạo làm môi trường sống cho sinh vật biển .Ảnh: THE BANGKOK POST
Vật liệu sử dụng làm rạn nhân tạo ở Thái Lan khá đa dạng, từ lốp xe, cống bê-tông đến các loại xe hơi cũ, toa tàu, xe tăng. Tuy nhiên, các khối bê-tông đúc sẵn với những khoảng trống tùy theo thiết kế để tạo nơi cư trú cho các sinh vật biển được sử dụng khá phổ biến. Theo số liệu của DOF, sau 5 năm, tại khu vực rạn thành phần loài và mật độ cá tăng, sinh vật đáy phong phú hơn. Khối rạn nhân tạo bằng bê-tông (rạn hình lập phương) thu hút nhiều sinh vật đến sống hơn các vật liệu khác, với 46 họ và 129 loài.
Dự án rạn san hô nhân tạo gần đây được tờ Bangkok Post nhắc đến do Thái hậu Sirikit khởi xướng đã giúp hồi sinh nguồn tài nguyên biển và thúc đẩy nền kinh tế của Ban Thon - một làng chài nghèo khó ở tỉnh Narathiwat. Dự án bắt đầu từ năm 2002, đến nay đã giúp phục hồi hệ sinh thái ven biển. Ông Rorsadi Dao - trưởng nhóm phục hồi, bảo tồn bờ biển và tài nguyên thiên nhiên Ban Thon - cho biết gần 20 năm trước, vùng biển xung quanh Ban Thon thiếu nguồn thủy sản trầm trọng do không có các rạn san hô và đê chắn sóng tự nhiên, vốn là nơi trú ẩn cho các loài động vật thủy sinh trong khu vực. Tình hình càng thêm nghiêm trọng do đánh bắt cá quá mức.
Dân làng Ban Thon cố gắng giải quyết bằng cách đổ đá xuống biển để tạo các rạn san hô nhân tạo nhưng không có tác dụng. Sau đó, cơ quan thủy sản xây dựng các rạn san hô nhân tạo ngoài khơi bằng những khối bê-tông, cống bê-tông, xe hơi và toa tàu cũ. Rạn bê-tông được lắp đặt ở khu vực cách xa bờ biển 9,5 km, còn xe, toa tàu cũ đặt cách bờ biển 11-12 km, ở độ sâu 26-30 m. Khi xây dựng rạn nhân tạo, đội triển khai lưu ý sự phức tạp của hình thái khối rạn, tính toán sao cho phù hợp kích thước của các đối tượng cần thu hút và bảo vệ. Rạn quy mô lớn thường có nhiều cá thể kích thước lớn đến sinh sống.
Sau vài năm, các loài động vật biển không được nhìn thấy trong khu vực nhiều năm bắt đầu trở lại, như tôm, mực, cá thu, rùa... Dự án ở Ban Thon trở thành hình mẫu cho cộng đồng ngư dân Thái Lan hiện đại, nơi các vấn đề môi trường xử lý đúng cách và tài nguyên biển được quản lý bền vững.
Bình luận (0)