Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng có dịp đến thăm "thủ phủ gà" của ông Lê Văn Quyết - người có biệt danh "Quyết gà" - tại thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Làm giàu từ "cái nghiệp"
Tiếp chúng tôi là người đàn ông tuổi lục tuần đầy vẻ phong trần, niềm nở nhưng cũng đôi lúc trầm ngâm trong câu chuyện.
Ông Quyết cho biết ông được ghi nhận thuộc lớp nông dân tiên phong của Đồng Nai trong việc đầu tư phát triển chăn nuôi gà công nghiệp; là một trong những chủ trang trại đầu tiên của cả nước đủ điều kiện chăn nuôi gà công nghiệp xuất khẩu sang những thị trường lớn và "khó tính" như Nhật Bản. Không chỉ vậy, ông Quyết còn xây dựng thành công HTX nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước đến thời điểm này. Thế nhưng, khi nói về quá trình 20 năm nuôi gà của mình, ông gọi đó là "cái nghiệp".
Ông Lê Văn Quyết hướng dẫn nhân viên sử dụng công nghệ cao chăm sóc đàn gà tại trang trại của mình
Ông Quyết kể năm 2003, khi xây dựng trang trại gà đầu tiên tại huyện Long Thành, ông gặp không biết bao nhiêu khó khăn, gian nan của buổi ban đầu chập chững vào nghề. Trải qua bao thăng trầm, ông mới thành công. Sau quá trình tích lũy kinh nghiệm nuôi gà và phát triển đủ mạnh, ông thấy cần phải kết nối quy mô lớn với các trang trại, phát huy sức mạnh đặc thù, hỗ trợ nhau phát triển.
"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải cùng nhau đi", ông Quyết hiểu thấu đáo điều này. Ông chủ trương liên kết để tạo nên sức mạnh và đã bắt tay với các nông dân giỏi cùng lĩnh vực trong vùng, gây dựng nên 7 trang trại gà quy mô lớn và hiện đại theo mô hình HTX, tại nhiều nơi ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 2017, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát của ông ra đời. Giám đốc HTX này tự hào nói rằng tất cả trang trại trong HTX của ông đều thuộc tốp đầu của tỉnh cũng như cả nước về ứng dụng công nghệ hiện đại, với tổng đàn gà đến hơn 1,5 triệu con. Tất cả các khâu đều được áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa. Toàn bộ dây chuyền chăn nuôi đều sử dụng công nghệ chạy lạnh, công nghệ sinh học và ứng dụng men sinh học khử mùi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
"Không được để gà mắc bệnh nên HTX của chúng tôi cũng là nơi đầu tiên xây dựng trại lạnh, trại lồng nuôi gà theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất. Chúng tôi học hỏi và áp dụng có chọn lọc công nghệ tổng hợp từ nhiều nơi trên thế giới, sao cho phù hợp với khí hậu cũng như các điều kiện khác của nước ta; làm chủ công nghệ một cách hiệu quả nhất…" - ông Quyết tiết lộ.
Không chỉ áp dụng khoa học công nghệ mà các yếu tố khác như con giống, thức ăn, vắc-xin cũng được ông lựa chọn khắt khe, làm sao để cả đầu vào và đầu ra đều bảo đảm ổn định cả hai tiêu chí là chất lượng và số lượng. Theo ông Quyết, người chăn nuôi gà xuất khẩu ngoài kinh nghiệm còn cần bản lĩnh, bởi thị trường xuất khẩu - các nước lớn - là hết sức "khó tính".
"Khi liên kết lại để có một mẫu số chung, chúng ta sẽ mạnh lên. Ví dụ, canh tác 1 ha đất thì không cần mua máy bay điều khiển từ xa để tưới nhưng khi liên kết lại, chúng ta sẽ có một cánh đồng mẫu lớn, mua máy bay về tưới sẽ hiệu quả. Bên cạnh đó, cần không ngừng học hỏi, phải bắt kịp thời cuộc, áp dụng số hóa, bắt buộc phải chuyển đổi số…" - ông Quyết khẳng định.
Muốn hội nhập, phải chuyên nghiệp
Không chỉ "nặng gánh" với vai trò giám đốc HTX, ông Lê Văn Quyết còn mang trọng trách phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam Bộ, cùng hỗ trợ bà con nông dân trong ngành nuôi gà công nghiệp khi đối mặt "thách thức lớn" là hội nhập.
Ông Quyết kể có nhiều người đầu tư chăn nuôi đã thất bại. Đây cũng là lẽ thường nhưng từ đó, ông đúc rút ra bài học kinh nghiệm: Quản trị tốt cũng là yêu cầu vô cùng quan trọng bên cạnh các yếu tố về chuyên môn. Riêng đối với ngành chăn nuôi, ông Quyết tin chắc rằng điều tiên quyết để đi đến thành công là phải thực sự chuyên nghiệp trong từng bước đầu tư, đặc biệt là trong tư thế bước vào hội nhập.
Ông Lê Văn Quyết hướng dẫn nhân viên sử dụng công nghệ cao chăm sóc đàn gà tại trang trại của mình
Ông Quyết cho biết việc xuất khẩu gà ra thị trường thế giới vẫn còn rất mới mẻ, hiện vẫn còn rất giàu tiềm năng. Chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản, nguồn cung không đủ cầu. HTX của ông đang đều đặn bảo đảm ổn định khoảng 25.000 con gà/ngày cho đối tác chế biến xuất khẩu thịt sang thị trường này.
"HTX luôn có nhu cầu tăng thành viên để bảo đảm nguồn cung cho xuất khẩu. Đây cũng là một áp lực. Nhiều chủ trang trại đã tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu nhưng buộc phải rút lui vì không đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, cái gốc của hệ thống liên kết mà HTX đang tập trung xây dựng chính là thu hút những người chăn nuôi có kinh nghiệm, có bản lĩnh. Thành viên HTX không chỉ có người chăn nuôi mà còn là doanh nghiệp cung cấp con giống, sản xuất cám... đủ chuẩn xuất khẩu" - ông Quyết cho hay.
Theo giám đốc HTX giàu kinh nghiệm chăn nuôi ở vùng đất Long Thành này, mục tiêu của doanh nghiệp ông sắp tới là tiếp tục mở rộng hệ thống các trang trại chăn nuôi, đáp ứng tốt cả nhu cầu của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Cụ thể hơn là thu hút thêm nhiều trang trại, doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tham gia để chuỗi liên kết không ngừng lớn mạnh. "Và, bắt buộc phải chuyển đổi số" - ông Quyết nhấn mạnh lần nữa.
Nông dân xuất sắc
Ông Lê Văn Quyết cho biết khi chưa có dịch Covid-19, HTX của ông nuôi được 5-6 lứa gà/năm, song từ lúc xảy ra đại dịch thì chỉ nuôi được 3-4 lứa. Tuy vậy, nhờ nuôi theo chuỗi liên kết, bảo đảm đầu ra - đầu vào bền vững nên giá bán gà của HTX không bị ảnh hưởng nhiều. Thời gian qua, trong khi giá gà trên thị trường xuống 6.000-7.000 đồng/kg, HTX vẫn bán được cho công ty đối tác với giá ổn định là 25.000-28.000 đồng/kg. Doanh thu trung bình của HTX ổn định, ước tính trên 80 tỉ đồng mỗi năm.
Ông Lê Văn Quyết đã được vinh danh là nông dân xuất sắc nhất tỉnh Đồng Nai năm qua và là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021".
Bình luận (0)