Thời gian gần đây, các hộ dân chuyên nghề sấy nông sản, đặc biệt là thuốc lá, ở tỉnh Gia Lai, đã sử dụng loại củi được nén từ vỏ trấu làm nguyên liệu đốt khi sấy. Loại củi này cháy đượm, nhiệt tốt hơn, tương đương với củi rừng tự nhiên nhưng giá rẻ hơn nhiều nên nhanh chóng được người dân địa phương chấp nhận.
Hạn chế nạn phá rừng làm củi
Các địa phương phía Đông Nam tỉnh Gia Lai như thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa, Krông Pa… được xem là thủ phủ canh tác, chế biến cây thuốc lá của tỉnh. Nơi đây, mỗi năm có hàng ngàn hecta thuốc lá được trồng khắp các nương rẫy của người dân. Cây thuốc lá đã từng bước giúp người dân nơi đây thoát nghèo, có cuộc sống ấm no. Tuy vậy, hệ lụy là những cánh rừng ở các địa phương này dần cạn kiệt do người dân khai thác để làm củi sấy thuốc lá.
Những năm trước, vào mỗi mùa thu hoạch thuốc lá, lò sấy nào tại đây cũng chất thành đống lớn củi từ thân gỗ tự nhiên. Do đó đã xuất hiện nhiều nhóm người chuyên vào rừng chặt cây để làm củi về bán cho các lò sấy. Những nhóm người này khiến lực lượng bảo vệ rừng rất đau đầu bởi lực lượng mỏng, rừng thì rộng lớn, không thể tuần tra thường xuyên 24/24 giờ để canh giữ. "Tình trạng phá rừng lấy củi sấy thuốc lá còn nguy hiểm hơn nạn lâm tặc. Vì lâm tặc chỉ chặt từng cây lớn có giá trị, còn phá rừng lấy củi thì lớn nhỏ đều bị chặt hết, cây không tái sinh được" - một cán bộ kiểm lâm lo ngại.
Củi trấu được sản xuất bằng công nghệ ép của Công ty CP Củi trấu Hòa Phú (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai)
Trước thực trạng này, lực lượng bảo vệ rừng ở các địa phương trong tỉnh cùng suy nghĩ tìm cách ngăn chặn. Tuy nhiên, nhu cầu củi sấy nông sản của người dân lớn nên chỉ có cách giải quyết từ gốc là tìm nguồn nguyên liệu thay thế củi gỗ thì mới giảm được nạn phá rừng.
Một cán bộ kiểm lâm ở thị xã Ayun Pa trong một lần vô tình xem thông tin trên mạng đã thấy vỏ trấu được ép thành khúc để làm chất đốt, giống như củi cây. Nguồn vỏ trấu ở các huyện phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai luôn dồi dào vì đây là vựa lúa của tỉnh, có nhiều nhà máy xay xát. Lâu nay, vỏ trấu ở đây chỉ dùng một ít làm phân bón, chất đốt; đa phần còn lại đốt bỏ. Từ đó, cán bộ kiểm lâm này rủ thêm một số đồng nghiệp hùn tiền thành lập doanh nghiệp, nhập máy móc về để làm củi trấu.
Mục đích là vừa có thu nhập vừa kéo giảm tình trạng người dân vào rừng trộm cây làm củi bán cho các lò sấy nông sản. Ban đầu, chủ các lò sấy còn lạ lẫm với loại củi trấu này. Sau thời gian sử dụng, củi trấu dần chiếm trọn niềm tin của người dùng. Từ đó, củi trấu dần thay thế củi cây vườn, rừng tự nhiên.
Nguồn nguyên liệu sạch, giá thành rẻ
Cán bộ kiểm lâm đó là ông Nguyễn Hữu Phú - Giám đốc Công ty CP Củi trấu Hòa Phú (thị xã Ayun Pa). Ông nói ban đầu ông vừa làm cán bộ kiểm lâm tại Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa vừa điều hành công ty. Khi công việc ngày càng phát triển, ông xin nghỉ làm kiểm lâm để tập trung lo cho nhà máy ép củi trấu.
Theo ông Phú, hiện tại cơ sở có 5 máy ép củi trấu. Trung bình 1 tấn trấu ép được từ 920 - 950 kg củi trấu. Mỗi tháng, xưởng ép được hơn 300 tấn củi trấu để cung cấp cho các lò sấy nông sản trên địa bàn và bán sang tỉnh khác. Lượng than củi làm ra đã phần nào giải quyết được vấn đề nhiên liệu đốt tại chỗ, thay thế cho nhiên liệu củi rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo ông Phú, củi trấu có nguồn nhiệt đượm hơn và khí thải ra môi trường ít hơn. Nhờ đốt bằng củi trấu này mà các lò sấy thuốc lá chuyển đổi từ lò đốt thủ công sang lò hơi công nghệ mới, hạn chế được nguồn chất đốt tự nhiên.
Hiện tại, xưởng ép trấu này tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 công nhân, đa phần là người dân tộc thiểu số.
Bà Phan Thị Nữ (chủ lò sấy thuốc lá ở thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) cho biết trước đây thường sử dụng củi thân gỗ để sấy thuốc lá. Gần đây, bà chỉ sử dụng một ít củi thân gỗ đặt phía dưới và dùng củi trấu để sấy thuốc lá. Sử dụng củi trấu không những giúp lá thuốc khi sấy đạt chất lượng cao hơn mà còn giảm được nhiều chi phí. "Nếu như trước kia khi mua 10 xe củi thông thường mất khoảng hơn 30 triệu đồng thì nay chỉ tốn khoảng hơn 20 triệu đồng thôi, sử dụng củi trấu lợi hơn, lá thuốc đẹp hơn nhiều" - bà Nữ so sánh.
Từ ngày mua củi trấu để sấy thuốc lá, ông Rcom Thon (buôn Jứ, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) đã bỏ hẳn củi rừng tự nhiên. "Củi trấu rẻ hơn, sấy thuốc đẹp hơn, không có nhiều khói thì tội gì mình phải mua củi rừng để sấy. Không chỉ những mùa vừa qua, mùa thuốc lá sắp tới tôi cũng chỉ mua củi trấu về sấy" - ông Thon phấn khởi.
Than củi ép từ vỏ trấu hứa hẹn là nguồn nhiên liệu đốt thay thế các loại chất đốt truyền thống, giúp người dân nhiều địa phương làm chất đốt trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hạn chế tình trạng xâm hại rừng, đồng thời bảo vệ môi trường.
Cung chưa đủ cầu
Ông Trương Quốc Dụng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai - bày tỏ việc trên địa bàn có nguồn chất đốt mới là củi trấu đã khiến người sản xuất nông sản thêm cơ hội lựa chọn, góp phần hạn chế nạn phá rừng làm củi. Tuy nhiên, hiện tại số lượng củi trấu còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong khu vực. Do đó, cần tăng thêm công suất để có thể cung ứng nhiều hơn nữa cho nhu cầu trong dân.
Bình luận (0)