Vấn đề xử lý rác thải gây tác động xấu đến môi trường ngày càng cấp bách với các đô thị lớn. Phân loại rác thải tại nguồn là bước đầu tiên, tiếp đến phải tái chế, tái sử dụng và người dân có thể bán được một số loại rác thải của mình.
Nên phân rác thải thành 2 loại
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã luật hóa việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Một trong những nội dung liên quan đến việc phân loại này là hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Riêng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế thì không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Cần phân loại rác tại nguồn để tái chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường Ảnh: TẤN THẠNH
Mới đây, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đề xuất thay đổi phương thức thực hiện. Theo ông Phúc, nên áp dụng phân rác thải làm 2 loại: rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Với rác thải công nghiệp, nhà máy xả thải phải trả tiền. Còn rác thải sinh hoạt, người dân được bán và công ty thu gom, vận chuyển phải trả tiền mua. Khi bán rác có tiền thì người dân sẽ nhiệt tình phân loại rác hơn. Ý kiến đề xuất này nhận được sự đồng tình của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày càng lơ là
Tại TP HCM, việc thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh việc thực hiện phân loại rác tại nguồn đã được triển khai từ rất sớm. Gần đây nhất, năm 2018, UBND TP đã có Quyết định 44, yêu cầu người dân trên địa bàn TP bắt buộc phải phân loại rác thải trước khi đem vứt, nếu không sẽ bị từ chối thu gom; tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt thường ngày có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải phân loại theo quy định; đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và nộp phí, giá dịch vụ theo quy định… Nếu không phân loại rác tại nguồn, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Theo quyết định này, các hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ phải sử dụng túi có màu xanh lục (hoặc trắng) để chứa chất thải hữu cơ. Sử dụng các loại túi có màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh) để chứa chất thải còn lại. Ngoài ra, có thể phân biệt bằng hình thức dán nhãn, ghi chữ hoặc đánh dấu trên túi để đơn vị thu gom nhận biết.
Trước đó, từ năm 2006, TP HCM đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn. Có thể nói trong 14 năm qua, dù đã có nhiều cố gắng triển khai nhân rộng mô hình tới các cộng đồng dân cư nhưng đến nay, hoạt động này vẫn chưa có nhiều tiến triển. Không ít trường hợp người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể từ chỗ nghiêm túc thực hiện việc phân loại rác tại nguồn đã dần lơ là, không thực hiện khi chứng kiến rác sau khi được phân loại tại nguồn bị đổ chung trong xe lấy rác để đưa về các bãi rác tập trung.
TP HCM: Mỗi ngày thải gần 10.000 tấn rác
Hiện nay, mỗi ngày TP HCM thải gần 10.000 tấn rác, trong đó có khoảng 9.200 tấn rác sinh hoạt, còn lại là rác công nghiệp - y tế. Thí điểm áp dụng trả tiền thu mua rác cho các hộ gia đình sẽ được người dân đồng tình. Cách làm là sẽ phổ biến cho các hộ gia đình phân loại rác từ nguồn thành rác hữu cơ và vô cơ. Số rác vô cơ phân loại được sẽ bán lại cho đơn vị thu gom, lúc này đóng vai trò vừa là đơn vị làm dịch vụ vệ sinh vừa trực tiếp thu mua ve chai, phế liệu. Như vậy, hộ nào thải ra nhiều rác vô cơ sẽ có cơ hội trả ít hoặc không phải trả phí đổ rác hằng tháng vì đã có nguồn thu từ bán rác vô cơ để cân đối.
Để làm được như vậy, TP cần bố trí nguồn chi phí điều tiết chương trình này. Bên cạnh đó, cần đầu tư để thay đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác; xây dựng hình ảnh TP văn minh, hiện đại.
Bình luận (0)