xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Truy tìm thủ phạm "bức tử" nguồn nước tại Đa Phước

Ý LINH

Có cơ sở khẳng định "tác giả" làm cho dòng nước vốn là nguồn sống của hàng trăm hộ dân đổi màu đen kịt, cá chết, cây cối héo úa..., người dân ở hai xã Đa Phước và Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng

Từ đơn phản ánh của người dân, mới đây, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm đến một con rạch thuộc sông Xóm Gò (một nhánh thuộc lưu vực sông Cần Giuộc), được cho là nơi khởi phát xả thải. Con rạch ăn sâu vào những cánh đồng - nơi người dân sinh sống, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu và nguồn tôm, cá hàng chục năm qua.

Dòng nước bất thường

Thời điểm chúng tôi có mặt, thủy triều đang lên nhưng trên mặt nước vẫn còn những vệt đen dài bị dòng chảy đẩy lan rộng ra. Theo người dân tại đây, vì quá bức xúc, nhiều ngày nay, họ đã gác hết công ăn việc làm, thay nhau theo dõi, thu thập chứng cứ xả thải.

Không giấu được lo lắng, bà Xuân (ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) nói: "Tui mới ra đó (con rạch thuộc sông Xóm Gò - PV) về, cá rô phi chết đầy. Chẳng lẽ giờ lượm đem ra xã làm bằng chứng? Cây bồn bồn cũng không sống nổi nữa!".

Theo bà Xuân, buổi sáng 25-2 là thời điểm vợ chồng bà nhận ra sự bất thường của dòng nước. "Nước sông sao kỳ quá, khúc trên thì trong, khúc dưới lại đen?" - bà nhớ lại. Bà Xuân cùng chồng và các cháu đã dùng ghe ngược dòng con nước, lần theo những vệt đen thì phát hiện "nước lạ" chảy ra từ khu vực đậu sà lan, kế bên nhà máy xử lý bùn của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh.

Truy tìm thủ phạm bức tử nguồn nước tại Đa Phước - Ảnh 1.

Người dân xã Đa Phước tự truy tìm nguồn gốc gây ô nhiễm nguồn nước nơi họ sinh sống. (Ảnh do người dân cung cấp)

"Không nghi ngờ gì nữa, cống ngầm của công ty này đang xả thải, vì "chất đen" chảy ra từ chỗ sát bờ đất của nhà máy. Nước quyện màu đặc sệt hòa vào dòng sông! Chắc là hóa chất nên cá mới chết?" - bà Xuân băn khoăn.

Hơn 20 năm sống bằng nghề bắt cá ở lưu vực sông Cần Giuộc, ông Công (ngụ xã Đa Phước) cho biết: "Không phải mới đây mà sông Xóm Gò đã bị ô nhiễm từ 5-7 năm nay. Tôm cá không về nữa. Nhưng đây là lần đầu tiên dân "bắt quả tang" công ty này xả thải".

Theo ông Tư (ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), một trong những người đứng tên trên đơn kêu cứu gửi đến Báo Người Lao Động, "chất lạ màu đen" thấy rõ khi nước ròng, loang xa đến 2-3 km vẫn còn nhìn thấy. Chưa kể, khu vực nhà máy xử lý bùn hoạt động còn thường xuyên bốc mùi hôi nồng nặc, lan rộng trong không khí. Theo người đàn ông là dân cố cựu nơi này, những sự việc trên đã xảy ra từ lâu nhưng gần đây, tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.

Doanh nghiệp... "bất ngờ"!

Ông Tư khẳng định thời gian các ống xả thải "lộ thiên" hoạt động rầm rộ nhất là vào khoảng 8 giờ đến 10 giờ 30 phút. "Mắt thường ai cũng thấy rất rõ chứ chưa nói tới sự đánh giá của chuyên gia. Họ xem thường cuộc sống của cộng đồng, làm ô nhiễm nguồn nước. Tôm, cá chết rất nhiều. Mùi hôi thối xuất hiện cả ngày, kéo theo ruồi, muỗi, côn trùng khắp nơi, bay cả vào mâm cơm làm ai cũng lo sợ cho sức khỏe của mình. Vậy ai sẽ đền bù những thiệt hại này cho chúng tôi?" - ông bức xúc.

Trước những phản ánh cấp thiết của người dân, ngày 3-3, phóng viên Báo Người Lao Động đã trực tiếp liên hệ Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh để làm rõ thực hư. Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp tỏ ra vô cùng… bất ngờ trước thông tin bị phản ánh về việc xả thải gây ô nhiễm môi trường. Theo vị này, từ trước đến nay chưa từng nghe người dân phàn nàn về hoạt động của doanh nghiệp (?).

Liên quan đến vị trí được xác định là nơi phát sinh dòng "chất lạ", gây ô nhiễm nước theo phản ánh của người dân và hình ảnh phóng viên cung cấp, đại diện công ty xác nhận khu vực đậu sà lan này thuộc đất do doanh nghiệp quản lý, gần đó có nhà máy xử lý bùn đang hoạt động. Tuy nhiên, người này không thừa nhận "chất lạ" do đơn vị mình xả ra. Nhận định về sự đổi màu của dòng nước, đại diện doanh nghiệp nói: "Có thể đây chỉ là hiện tượng bất chợt, không kéo dài. Vì bây giờ dòng nước đã trong xanh nên tôi nghĩ đó chỉ là biến động gì đó của môi trường. Mà có lẽ do thời tiết"!

Song, những đánh giá này cũng chỉ là cảm tính! Bởi, chính người đại diện Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh cũng thừa nhận không có chuyên môn về lĩnh vực này nên không thể phân tích rõ hơn. "Riêng vấn đề người dân phản ánh thì chúng tôi sẽ ghi nhận, kiểm tra lại" - vị này hứa hẹn. 

Chuyên gia môi trường B.V.C (Hội Hóa học Việt Nam) cho rằng có hơn một doanh nghiệp đang "bức tử" nguồn nước tại xã Đa Phước. Tháng 9-2018, phóng viên Báo Người Lao Động có dịp theo chân đoàn nghiên cứu của ông B.V.C (hoạt động độc lập) về xã Đa Phước truy tìm nguyên nhân hệ sinh thái ở khu vực sông Xóm Gò bị ảnh hưởng tiêu cực suốt thời gian dài.

Trả lời phóng viên vào thời điểm đó, ông B.V.C cho biết từ năm 2016-2017, ông liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân sống dọc sông Xóm Gò vì thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối và tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Trong quá trình khảo sát thực địa, nhóm nghiên cứu phát hiện tại khu vực nhà máy xử lý bùn của Công ty TNHH DV MTĐT HB xuất hiện nhiều hố chứa bùn thải lộ thiên. Từ những hố bùn này mở ra những đường nước rỉ ra sông Xóm Gò. Ngay lập tức, nhóm đã tiến hành lấy mẫu nghiên cứu.

"Kết quả cho thấy nồng độ coliform (nhóm vi khuẩn có thể gây ra các rối loạn tạo nên chứng tiêu chảy gây mất nước, rối loạn máu, suy thận, thậm chí tử vong) lên tới 33 triệu/100 ml nước thải (phương pháp MPN - đếm số các xác suất lớn). Trong khi đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chỉ cho phép hàm lượng coliform là 3.000/100 ml đối với nước thải loại A và 5.000/100 ml với nước thải loại B" - ông B.V.C cho biết.

Đó chỉ là những đánh giá một phía từ các chuyên gia độc lập nên khó lòng có thể xem là đủ cơ sở pháp lý để làm rõ "tác giả" đứng sau việc "bức tử"nguồn nước ở xã Đa Phước. Việc lần ra "kẻ giấu mặt" đứng sau tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại đây vẫn thuộc về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền về môi trường.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo