Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã xếp TP HCM nằm trong danh sách 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). TP HCM đang đẩy mạnh các chương trình, hoạt động nhằm ứng phó BĐKH, đặc biệt là khung chiến lược phát triển xanh với trụ cột là hành vi xanh để phát triển bền vững.
Ứng phó đa lĩnh vực
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho hay giai đoạn 2021 - 2023, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, hình thành lối sống thân thiện môi trường.
Về công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn, từ năm 2021 đến nay, thành phố phát triển thêm gần 22 ha công viên công cộng; 9,3 ha mảng xanh và trồng mới, cải tạo 15.985 cây xanh. So với chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 2 năm, các kết quả trên đều vượt khi phát triển công viên công cộng đạt hơn 108%, mảng xanh hơn 232% và cây xanh hơn 133%.
Để đạt được mục tiêu về diện tích cây xanh đô thị đến năm 2025 không dưới 0,65 m2/người theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố phải tăng tối thiểu 150 ha đất công viên công cộng. UBND TP HCM đã giao các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn theo kế hoạch. Thành phố tiếp tục triển khai hệ sinh thái rừng hiện có tại các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố triển khai chương trình phát triển giống, cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030, đến nay diện tích canh tác rau củ quả ứng dụng công nghệ cao là 458 ha...
Phát triển mô hình nuôi hiệu quả các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế thích ứng BĐKH tại huyện Cần Giờ, cụ thể: nuôi cua, cá bớp, cá dứa, cá chẽm… với tổng diện tích khoảng 40 ha, sản lượng trung bình 150 tấn/năm. Nuôi thủy sản trên các vùng xâm nhập mặn do BĐKH không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp, tận dụng nước mặn lợ nuôi tôm thẻ chân trắng để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã có 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với 40 ha, sản lượng trung bình 300 tấn/năm.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, TP HCM tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng mới hệ thống xe buýt tạo điều kiện cho mạng lưới xe buýt được hoạt động thuận lợi, thu hút người dân tham gia sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe cá nhân, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Cụ thể, xây dựng điểm đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè), xây dựng bến xe buýt Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), bến xe buýt Hóc Môn, bến xe buýt Củ Chi...
Thành phố cũng tăng cường đầu tư phương tiện giao thông công cộng sức chở lớn, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang giai đoạn chạy thử nghiệm để sớm vận hành thương mại. Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang triển khai. Ngoài ra, thành phố đang tập trung nguồn lực để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch.
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ
TP HCM phát triển giao thông công cộng góp phần giảm ô nhiễm môi trường
Phát triển xanh để ứng phó BĐKH
Tại Diễn đàn kinh tế TP HCM năm 2023 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0" vừa diễn ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tăng cường hợp tác với các trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới, hỗ trợ giải pháp đột phá cho TP HCM phù hợp quốc gia và xu hướng quốc tế. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giảm ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên…
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách. Khung chiến lược xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy liên kết vùng hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột: Phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành hoặc lĩnh vực tiên phong.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh du lịch xanh, hệ sinh thái Cần Giờ xanh và kỳ vọng lớn vào việc xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh. Theo đó, Cần Giờ được kỳ vọng sẽ tiên phong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
TP HCM tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác về BĐKH với các đối tác như Tổ chức C40, TP Osaka (Nhật Bản), Ngân hàng Phát triển châu Á; đồng thời mở rộng hợp tác với các đối tác mới nhằm trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Cụ thể, TP HCM đã phối hợp với Cục Môi trường Osaka tổ chức đối thoại chính sách, triển khai các dự án nhằm thực hiện chương trình phát triển thành phố thải carbon thấp cấp kỹ thuật; phối hợp nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới triển khai hoạt động của nhóm kỹ thuật phát thải carbon thấp; phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện dự án nâng cao năng lực và hành động cải thiện môi trường không khí.
Thành phố ký thỏa thuận hợp tác cùng National Park - Ủy ban Quản lý nhà nước lĩnh vực công viên cây xanh tại Singapore trong đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực công viên cây xanh và cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành để nghiên cứu áp dụng.
Ngoài ra, TP HCM cũng làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Lãnh sự quán Anh, Lãnh sự quán Hà Lan, Trường ĐH Monash (Úc)... về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sụt lún nền, giảm phát thải khí nhà kính, triển khai tuyên bố COP26 của Thủ tướng Chính phủ...
Bình luận (0)