Sáng 22-11, tại Hà Nội, Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình", do trang tin kinh tế tài chính CafeF tổ chức với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành và nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế.
Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCORP, phát biểu tại hội thảo
Net Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCORP, cho rằng muốn Việt Nam đạt được Net Zero vào năm 2050, chúng ta đều hiểu nỗ lực không chỉ đến từ Chính phủ, mà phải đến từ rất nhiều tổ chức, cá nhân, trên khắp Việt Nam, đồng thời phải huy động được sự hỗ trợ từ cả quốc tế. Nói cách khác, Net Zero là một mục tiêu siêu thách thức.
"Nhưng chính mục tiêu siêu thách thức đó là cơ hội cho sự kết nối, huy động tâm huyết, trí tuệ, sức mạnh của những người tài trên khắp Việt Nam cùng chung tay giải bài toán lớn của đất nước. Nhìn từ góc độ đó, Net Zero lại trở thành một mục tiêu truyền cảm hứng rất lớn" - ông Ngọc nói.
Các đại biểu tham gia thảo luận
Còn theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, tầm nhìn xanh là sứ mệnh phải thực hiện, là sứ mệnh sống còn, đem lại lợi ích cao nhất. Nó là cuộc đua của loài người, của Tổ quốc Việt Nam. "Việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 đã gây sửng sốt cho toàn nhân loại bởi vì những nước mạnh hơn cũng chỉ cam kết như Việt Nam" - ông Thiên cho hay.
PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh thế giới đang triển khai rất nhiều chiến lược tăng trưởng xanh cấp quốc gia, cấp toàn cầu. Việt Nam có một cái hay là không nước nào cam kết "dữ dội" như Việt Nam. Vì cam kết lớn như vậy thì chúng ta có thể đương đầu với những thách thức lớn. Nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ…"Với những yếu tố đó, Việt Nam có thể đi sau nhưng về trước" - vị chuyên gia kinh tế nói.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải carbon. Ở Việt Nam, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.
Bình luận (0)