Trao đổi với kênh CNBC (Mỹ) hôm 14-9, Giám đốc điều hành (CEO) của Maersk, ông Vincent Clerc, cho biết con tàu mang tên Laura Maersk sẽ hoàn tất vào năm 2024. "Nó được đặt đóng năm 2021 nhưng tới nay toàn ngành đã có khoảng 125 tàu do nhiều công ty đặt hàng với cùng công nghệ và ý tưởng chuyển đổi năng lượng" - ông Clerc nhấn mạnh về tính tiên phong của con tàu mới trong ngành vận tải biển.
Tàu Laura Maersk chạy bằng methanol neo tại cảng ở Copenhagen - Đan Mạch hôm 14-9 Ảnh: REUTERS
Theo CNBC, Evergreen và các hãng tàu khác cũng đặt đóng loại tàu tương tự dù tham vọng của họ về trung hòa carbon không bằng Maersk. Hãng tàu Đan Mạch này đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2040.
Với việc chuyên chở khoảng 90% lượng hàng hóa trên thế giới, ngành vận tải biển chiếm khoảng 3% tổng phát thải toàn cầu, tương đương các nước gây ô nhiễm lớn trên thế giới. Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) chỉ ra lượng CO2 ngành này thải vào không khí mỗi năm bằng với 283 nhà máy điện chạy bằng than. Dù toàn ngành đối mặt với áp lực cắt giảm phát thải ngày càng tăng nhưng loại bỏ các sản phẩm hóa dầu là một thách thức lớn về logistics cũng như rất tốn kém.
Quay trở lại trường hợp của Maersk, trở ngại lớn đối với kế hoạch của họ và các đối thủ chính là xoay xở tìm đủ nguồn cung methanol xanh - loại nhiên liệu khan hiếm và vận chuyển rất tốn kém. Thừa nhận đây là "vấn đề đau đầu" nhưng CEO Clerc tiết lộ "đã tự tin hơn một năm trước", sau khi Maersk ký thỏa thuận với ít nhất 9 nhà cung cấp khắp thế giới nhằm thúc đẩy họ sản xuất methanol xanh nhiều hơn.
Một dạng nhiên liệu sạch khác hiện được ngành vận tải biển chú ý trở lại chính là gió. Đang gây chú ý với xu hướng này là Cargill, tập đoàn chuyên về nông nghiệp đồng thời là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Mỹ, mỗi năm chuyên chở tới 225 triệu tấn hàng vòng quanh thế giới bằng đội tàu khổng lồ hàng trăm chiếc của mình. Và một trong số tàu đó - chiếc Pyxis Ocean - vừa hoàn tất chuyến thử nghiệm chạy từ TP Thượng Hải (Trung Quốc) đến Singapore một phần nhờ sức gió. Trong chuyến đi, con tàu 80.000 tấn được lắp đặt thêm 2 "cánh buồm" khổng lồ bằng thép và sợi thủy tinh. Nhờ 2 "cánh buồm" WindWings cao tới 37,5 m này mà nhiên liệu sử dụng cho con tàu giảm gần 1/5, theo công ty thiết kế BAR Technologies. Một trong những lợi thế của những cánh buồm như WindWings là có thể gắn thêm vào tàu đang vận hành chứ không cần phải đóng tàu mới; ngoài ra, gió lại có sẵn, không tốn phí.
Nương theo gió để chạy tàu là chuyện... xưa như trái đất song tới gần đây công nghệ này mới trở lại trong một hình hài mới. Theo hãng tin Bloomberg, ngoài Pyxis Ocean chỉ mới có khoảng hơn 20 chiếc tàu thương mại cỡ lớn khác mượn gió đẩy thuyền. Đối với tàu chạy bằng nhiên liệu sạch, chẳng hạn như methanol xanh, gió góp phần cắt giảm chi phí; với tàu vẫn chạy bằng dầu, gió góp phần giảm bớt lượng phát thải. BAR Technologies cho biết trên lộ trình trung bình, mỗi cánh buồm WindWings có thể tiết kiệm 1,5 tấn nhiên liệu từ dầu trong 1 ngày. Giảm 1 tấn nhiên liệu từ dầu sẽ giảm được hơn 3 tấn CO2 thải ra. Dù vậy, xác định chính xác lượng CO2 giảm xuống không phải chuyện dễ. Điều này phụ thuộc vào lộ trình tàu, số cánh buồm được lắp đặt và dĩ nhiên không thể thiếu lượng gió như thế nào.
Tàu Pyxis Ocean hoàn tất chuyến thử nghiệm từ Thượng Hải đến Singapore sau khi lắp thêm 2 “cánh buồm” khổng lồ Ảnh: REUTERS
Bình luận (0)