Dù được tuyên thắng kiện nhưng đến nay, ông Trần Đức Thái ở xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn chưa được thi hành án.
Trình bày với Báo Người Lao Động, ông Trần Đức Thái cho biết ngày 31-7-2018, vợ chồng ông mua lại căn nhà và mảnh đất của gia đình ông Nguyễn Hưng Đông tại xã Quảng Tùng với diện tích 132 m2. Vì tình nghĩa, ông Thái đồng ý để vợ chồng Nguyễn Viết Nam (con ông Đông) ở tạm trong căn nhà đã mua. Hai bên thỏa thuận trước tháng 6-2020, ông Nguyễn Viết Nam sẽ giao lại nhà. Thế nhưng đến hạn, ông Nguyễn Viết Nam viện đủ lý do để không rời khỏi căn nhà.
Tháng 11-2020, ông Thái kiện ra tòa để đòi nhà. TAND huyện Quảng Trạch đã tuyên ông Thái thắng kiện. Ông Đông kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Bình tuyên y án sơ thẩm.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Thái nộp đơn yêu cầu thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng Trạch. Dù đơn vị này nhiều lần ra quyết định thi hành án, quyết định cưỡng chế nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ án theo quy định của pháp luật.
Bà Đoàn Thị Diệu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng Trạch, cho rằng vụ việc đang được cơ quan thi hành án thực hiện theo đúng quy định, trình tự của pháp luật. Hiện đơn vị đã ban hành quyết định xử phạt hành chính gia đình ông Nguyễn Viết Nam và đang xây dựng kế hoạch thực hiện cưỡng chế.
Lý giải việc chậm thi hành án theo thẩm quyền, bà Lan cho hay người phải thi hành án đang có đơn đề nghị xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm. Vì vậy phải chờ kết quả trả lời từ cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, việc tổ chức cưỡng chế đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan nên "rất mất thời gian".
Trong khi đó, luật sư Vũ Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đông Dương, khẳng định khi bản án có hiệu lực nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì sẽ bị cưỡng chế thi hành. Cơ quan thi hành án cần quyết liệt xử lý dứt điểm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Bình luận (0)