Đã có 17 năm đóng BHXH, chỉ cần đóng thêm 3 năm nữa là bà Huỳnh Thị Hồng Ngọc, công nhân (CN) Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (quận 6, TP HCM), sẽ thỏa điều kiện về số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu theo quy định. Thế nhưng, cuộc sống thiếu thốn khiến bà nhiều lần đứng trước lựa chọn: Tiếp tục làm việc và đóng BHXH để có lương hưu hay nghỉ việc để rút BHXH một lần.
Ai cũng muốn có lương hưu
Thu nhập của bà Ngọc hơn 8 triệu đồng/tháng. Chồng bà là CN tại một cơ sở tư nhân, gia đình hiện ở trọ, các con còn nhỏ đang gửi ở quê nhờ ông chăm sóc. Mỗi tháng, họ phải chi một khoản tiền lớn để trả tiền trọ và gửi về quê nên gần như chẳng có tích lũy.
Không ít lần, bà Ngọc có ý định rút BHXH để có một khoản tiền lo cho gia đình. Tuy nhiên, sau khi đắn đo, bà vẫn chọn tiếp tục làm việc để có thu nhập ổn định hằng tháng và về già có lương hưu.
"Chỉ 10 năm nữa tôi đến tuổi nghỉ hưu, nếu rút BHXH thì đồng nghĩa với việc từ bỏ lương hưu. Không ai muốn phụ thuộc vào con cái khi về già nên tôi quyết định tiếp tục đóng BHXH để có của để dành" - bà Ngọc bày tỏ.
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết CN đều rất muốn có lương hưu nhưng với quy định hiện tại, thời gian đóng BHXH tối thiểu quá dài khiến họ đắn đo. Trường hợp ông Trần Tuấn - CN đang làm việc tại một doanh nghiệp ở KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM - là điển hình.
Ông Tuấn nay đã 54 tuổi, chỉ còn 8 năm nữa sẽ nghỉ hưu nhưng mới đóng BHXH được 10 năm do tham gia muộn. Như vậy, đến lúc nghỉ hưu, ông cũng mới tham gia BHXH được 18 năm. Nếu muốn có lương hưu thì ông phải đóng BHXH tự nguyện thêm ít nhất 2 năm. Song, dù có đóng thêm 2 năm thì mức lương hưu cũng rất thấp. Vì vậy, ông rất mong Luật BHXH sẽ sửa đổi nhằm giảm số năm đóng tối thiểu còn 15 để có thể tiếp cận được lương hưu.
Không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí cũng là nỗi lo của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, CN Công ty TNHH Vina Cosmo (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM). Bà Hân và chồng làm cùng công ty đã hơn 10 năm, tổng thu nhập mỗi tháng hơn 20 triệu đồng, đủ để trả chi phí sinh hoạt cùng một khoản tích lũy nhỏ. Đó là lý do họ đều không có ý định rút BHXH một lần.
Bà Hân mới ngoài 40 tuổi, còn chồng đã 57 tuổi và cả 2 chỉ mới đóng được gần 14 năm BHXH. Như vậy, đến lúc nghỉ hưu, họ vẫn chưa đủ số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu.
"Vợ chồng tôi trước đây làm nông. Từ lúc làm CN, chúng tôi mới biết và tham gia BHXH. Chúng tôi dự tính sẽ tích cóp một khoản để đóng BHXH tự nguyện cho số tháng còn thiếu của chồng để anh ấy có lương hưu. Tôi hy vọng Luật BHXH sẽ điều chỉnh giảm số năm đóng tối thiểu xuống 18 hoặc 15" - bà Hân mong mỏi.
Chế độ hưu trí cần phải hấp dẫn
Theo Luật BHXH năm 2014, để được hưởng lương hưu, người lao động (NLĐ) phải đáp ứng 2 điều kiện: Đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên.
Để tăng số người được hưởng chế độ hưu trí, nhất là người tham gia BHXH muộn, nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, mức hưởng cũng cần được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được hưởng quyền lợi.
Về vấn đề này, trong kiến nghị gửi Quốc hội khóa XV trước kỳ họp thứ 6, cử tri một số tỉnh, thành cho rằng thời gian đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu là quá dài, nhất là với người tham gia BHXH tự nguyện vì sẽ không có khả năng đóng.
Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm còn 15 hay 10 năm; đồng thời quy định các chế độ hưởng lương hưu phù hợp theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, để tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu. Từ đó, khuyến khích nhiều người tham gia, hạn chế tình trạng rút BHXH một lần do chưa đủ số năm đóng bắt buộc.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay một trong những nội dung mà Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đề ra là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí, theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm; mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Thực hiện nghị quyết này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm. Trường hợp NLĐ khi đến tuổi hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng do quỹ BHXH chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập đóng của NLĐ. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, NLĐ còn được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Xem lại mức đóng BHXH
Bên cạnh kiến nghị về giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, nhiều cử tri còn nêu thực tế nhiều doanh nghiệp trả tiền công cho NLĐ cao nhưng số tiền làm căn cứ đóng BHXH thấp, chỉ bằng lương tối thiểu vùng. Việc này dẫn đến mức hưởng các chế độ BHXH, trong đó có lương hưu, rất thấp.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để khắc phục tình trạng nêu trên, dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; quy định cụ thể hơn về tiền lương căn cứ đóng BHXH bắt buộc - theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài đối với tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Bình luận (0)