Đầu năm 2021, khi nhận quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, ông Nguyễn Hiếu Nghĩa (SN 1960; ngụ quận 8, TP HCM) không tin vào mắt mình. Với quá trình đóng BHXH là 32 năm 10 tháng, tỉ lệ hưởng 73%, mức lương hưu ông Nghĩa nhận được thời điểm đó là 2,1 triệu đồng.
Chật vật với lương hưu
Ông Nghĩa cho hay toàn bộ quá trình công tác của ông trong ngần ấy thời gian đều làm trong khu vực nhà nước (Ban Chỉ huy Quân sự quận, Phường đội trưởng, Phòng Quản lý đô thị quận…). Theo tính toán của cơ quan BHXH, mức lương bình quân tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu cho ông Nghĩa là 2.889.348 đồng/tháng. "Tôi cứ đinh ninh với thời gian đóng BHXH dài và có lợi thế làm việc trong khu vực nhà nước thì sẽ có mức lương hưu khá. Song thực tế, mức lương hưu tôi nhận được không đủ ăn sáng và bù tiền thuốc chữa bệnh" - ông Nghĩa cho biết.
Ông Nghĩa bị bệnh đái tháo đường hơn 25 năm nay, phải đi khám hằng tháng và uống thuốc thường xuyên. Bệnh đang có hiện tượng biến chứng qua gan, thận, buộc phải mua thêm một số thuốc đặc trị ngoài danh mục BHYT nên mỗi tháng phát sinh tiền thuốc, khám bệnh hơn 500.000 đồng.
Sau khi trừ chi phí thuốc thang, số lương hưu còn lại không đủ trang trải cuộc sống nên sau khi nghỉ hưu, ông xin vào làm cộng tác viên tại Đội Trật tự đô thị quận 8. Mỗi ngày ông Nghĩa làm việc 1 buổi và được trả lương 2 triệu đồng/tháng. Dù có 2 khoản thu nhập nhưng hiện ông Nghĩa cũng phải sống chật vật.
Khi đủ tuổi nghỉ hưu, ông Huỳnh Công Hoàng (62 tuổi; đoàn viên Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ quận Tân Bình, TP HCM) chỉ tham gia BHXH được 17,5 năm tại một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Để đáp ứng điều kiện về số năm đóng BHXH (đủ 20 năm trở lên), ông Hoàng đã gom góp số tiền tiết kiệm trong thời gian còn đi làm được để đóng BHXH tự nguyện một lần cho 2,5 năm còn thiếu. Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện, ông Hoàng được nhận mức lương hưu là 1,5 triệu đồng/tháng. Sau những lần được nhà nước điều chỉnh, nay mức lương hưu của ông Hoàng hơn 2 triệu đồng/tháng.
Mặc dù tuổi cao và trong người có nhiều chứng bệnh như huyết áp, tim mạch, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống... song do vợ không có việc làm ổn định, con chưa hoàn thành việc học nên 3 năm nay ông Hoàng đăng ký chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. "Đôi khi thấy tôi lớn tuổi, khách hàng họ hủy chuyến. Bản thân tôi sức khỏe không tốt nên cũng không chạy trọn ngày, thu nhập không bao nhiêu" - ông Hoàng bộc bạch.
Chưa an tâm
Có gần 30 năm đóng BHXH và sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng bà Nguyễn Thị Thanh (giáo viên một trường tiểu học tại quận Bình Tân, TP HCM) hiện đang băn khoăn giữa lựa chọn rút BHXH một lần hay hưởng chế độ hưu trí.
Cách đây hơn 6 năm, bà Thanh từng bị ung thư vú. Do được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên sau đó căn bệnh đã được kiểm soát và hiện chưa có dấu hiệu tái phát. Tuy nhiên, bà Thanh không biết chắc trong tương lai tình hình sức khỏe của mình ra sao, e không được hưởng lương hưu lâu dài. Bà Thanh chia sẻ: "Nghĩ đến việc tuổi nghỉ hưu cao, thời gian hưởng hưu ngắn, nhất là đối với trường hợp của tôi có khả năng hưởng lương hưu chưa bao lâu lại phát bệnh rồi mất nên tôi lưỡng lự".
Trong bản ý kiến gửi đến Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, cử tri tại một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Giang và TP Hà Nội cũng đặt vấn đề tuổi nghỉ hưu cao (tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035) khiến nhiều người chưa kịp hưởng chế độ hưu trí thì đã mất.
Cử tri đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật BHXH về điều kiện hưởng lương hưu theo hướng thấp hơn 5 năm đối với một số trường hợp làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm các công việc có tính chất đặc thù cao, trong đó có giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, nhân viên y tế…
Đề cập vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng theo quy định của pháp luật về BHXH, để được hưởng lương hưu hằng tháng thì NLĐ phải đáp ứng đồng thời điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH. Điều này bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ BHXH của NLĐ, bảo đảm cân đối và bền vững lâu dài của quỹ BHXH.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ Luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét tính đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của NLĐ.
Cải cách tiền lương đi đôi với điều chỉnh lương hưu
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết năm 2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu theo tinh thần "không để người hưu trí rơi vào khó khăn, thiệt thòi hơn khi cải cách". "Khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương với NLĐ cả nước nâng lên mà lương hưu không được điều chỉnh tốt thì người hưởng lương hưu rất thiệt thòi. Do đó, cần tính toán cân đối, hài hòa. Nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì ít nhất lương hưu phải tăng 15%" - ông Dung nói.
Bình luận (0)