Ngày 13-12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023.
Nhiều kiến nghị
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết trong quá trình ghi nhận tình hình thực tế để phục vụ hội nghị, VCCI đã nhận nhiều kiến nghị của doanh nghiệp (DN) liên quan lĩnh vực thuế và hải quan.
Đối với lĩnh vực thuế, DN phản ánh vướng mắc về thủ tục hoàn thuế GTGT, xuất hóa đơn điện tử, quy định về nợ đọng thuế tính gộp và vấn đề bảo đảm uy tín cho DN khi chậm nộp thuế. Còn với lĩnh vực hải quan, đa phần phản ánh của DN liên quan thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, hoàn thuế xuất nhập khẩu.
"DN cũng kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu, quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa và cơ chế hoàn thuế GTGT cho DN chế xuất" - ông Phạm Tấn Công thông tin.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, cộng đồng DN còn kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2024. Đồng thời, xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới, tăng cường các biện pháp phi thuế quan.
Trước những kiến nghị của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết thực tế những năm qua, do tác động của dịch COVID-19, bộ đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ DN.
Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 là khoảng 129.000 tỉ đồng; năm 2021 khoảng 145.000 tỉ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỉ đồng. Riêng năm 2023, số tiền thuế, phí được gia hạn khoảng 121.000 tỉ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm là khoảng 75.000 tỉ đồng.
Tháo gỡ việc hoàn thuế GTGT
Hoàn thuế GTGT là vấn đề được khá nhiều DN tại buổi đối thoại bày tỏ quan tâm. Một trường hợp đáng chú ý là Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu An Phát (gọi tắt là Công ty An Phát).
Đại diện công ty cho biết gặp nhiều vướng mắc trong hoàn thuế GTGT với các hợp đồng xuất khẩu tinh bột sắn, dẫn đến bị "giam" tiền thuế kéo dài đã 4 năm. Công ty đã kiến nghị vấn đề này lên Chính phủ, Quốc hội song đến thời điểm này vẫn chưa nhận được quyết định hoàn thuế của Cục Thuế TP Hà Nội.
Trả lời, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, thừa nhận đây là "câu chuyện dài" và đã được phản ánh nhiều trong thời gian qua. Ông Minh cho rằng DN xuất khẩu tinh bột sắn là thuộc lĩnh vực rủi ro. Do đó, việc chưa hoàn thuế theo yêu cầu của Công ty An Phát là căn cứ vào việc đánh giá rủi ro thông qua trao đổi thông tin với cơ quan quản lý của Trung Quốc.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, sau khi những vướng mắc của DN được gửi tới Cục Thuế TP Hà Nội, cục đã phản hồi thông tin đến DN theo quy định. "Quan điểm của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế là công ty nên tiếp tục vận dụng quyền và nghĩa vụ của mình trong giải quyết tố tụng hành chính. Cơ quan thuế sẵn sàng giải quyết khi có phán quyết" - ông Đặng Ngọc Minh khẳng định.
Liên quan công tác hoàn thuế nói chung, đại diện cơ quan thuế cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ và cải cách thủ tục hoàn thuế, tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Một câu chuyện khác cũng làm "nóng" buổi đối thoại là việc triển khai xuất hóa đơn từng lần bán lẻ xăng dầu. Các DN, hiệp hội phản ánh còn gặp khó khăn, vướng mắc trong đầu tư thiết bị.
Chẳng hạn, đại diện Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang phản ánh DN trên địa bàn đang rất băn khoăn bởi muốn triển khai xuất hóa đơn từng lần bán lẻ xăng dầu thì cần lắp đặt thiết bị in hóa đơn, tốn kém chi phí trong khi phần lớn khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn.
Phản hồi, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-7-2022.
Thủ tướng cũng đã ban hành Công điện 1284/2023 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các địa phương phối hợp thực hiện, đồng thời yêu cầu ngành thuế ráo riết triển khai.
Về mối lo lớn nhất của DN là vấn đề đầu tư, ông Minh cho biết theo báo cáo của 2 công ty đã triển khai hóa đơn điện tử cho mỗi lần bán hàng tại cây xăng, cho chi phí in chỉ khoảng 20-60 đồng/hóa đơn. Hiện có hàng chục đơn vị để DN lựa chọn khi triển khai lắp đặt thiết bị in.
Đơn giản hóa thủ tục hải quan
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, cũng đã giải đáp các thắc mắc của DN về đơn giản hóa thủ tục hải quan, cải cách thủ tục thông quan hàng hóa hướng đến hải quan thông minh.
Theo ông Cường, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của DN, từ đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, trình Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ban hành quy định để hoàn thiện thể chế về hải quan. Trong đó có Quyết định 15/2023 của Thủ tướng quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu; các biểu thuế về xuất - nhập khẩu ưu đãi.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi góp phần đơn giản hóa thủ tục, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan hải quan và DN, giảm thời gian đi lại và khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi...
Bình luận (0)