Tổng cục Thuế vừa có Công điện 07 gửi cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT. Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế đẩy nhanh hoàn thuế GTGT để hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Chuyển công an hồ sơ có dấu hiệu gian lận
Công điện 07 yêu cầu các cục thuế rà soát việc phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT bảo đảm đúng quy định.
Cụ thể, đối với hồ sơ đã kết thúc kiểm tra, xác định đủ điều kiện hoàn thuế thì giải quyết hoàn ngay. Đối với hồ sơ đang được kiểm tra, xác minh mà đã quá thời hạn, trường hợp chưa phát hiện gian lận thì căn cứ hồ sơ DN cung cấp để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn và giải quyết theo quy định. Trường hợp sau khi hoàn thuế, cơ quan thuế phát hiện DN kê khai sai số thuế thì DN phải nộp lại tiền thừa và tiền chậm nộp, đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Còn đối với hồ sơ phát hiện có gian lận nhằm trục lợi, cơ quan thuế củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan công an điều tra.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế tiếp tục sắp xếp, bổ sung cán bộ, công chức tham gia giải quyết hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT, bảo đảm đến hết tháng 9-2023, kết quả hoàn thuế đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế - Tổng cục Thuế, cho hay việc tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế cho DN được thực hiện theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự tính, tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các hồ sơ được chia thành 2 loại, gồm hoàn trước - kiểm sau và kiểm trước - hoàn sau. Trong đó, quy định đối với trường hợp hoàn thuế trước là 6 ngày làm việc, còn trường hợp hoàn thuế sau là 40 ngày làm việc tính từ thời điểm người nộp thuế nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định.
Bà Hải nhấn mạnh việc hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định là yếu tố rất quan trọng để cơ quan thuế giải quyết. Thời gian qua, một số hồ sơ kiểm trước - hoàn sau bị kéo dài thời gian so với quy định là do cơ quan thuế phát hiện DN mua hàng hóa đầu vào nhưng DN bán hàng đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế hoặc tạm ngừng hoạt động. Đặc biệt, một số DN bán hàng nằm trong diện điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Doanh nghiệp sốt ruột lắm!
Tuy ngành thuế đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT nhưng DN trong nhiều lĩnh vực vẫn phản ánh cơ quan thuế chậm giải quyết hoàn thuế GTGT.
Đối với ngành sắn, số tiền bị chậm hoàn thuế GTGT ước tính hơn 700 tỉ đồng. Hiện nay, thị trường lớn nhất của ngành sắn là Trung Quốc. Mặt hàng này xuất sang Trung Quốc theo điều kiện giao hàng tại biên giới (DAF), tức người bán chịu trách nhiệm giao hàng đến cửa khẩu. Tuy nhiên, cơ quan thuế cho rằng hợp đồng mua bán vô hiệu vì qua xác minh, DN mua hàng không tồn tại hoặc không thừa nhận có mua hàng của DN Việt Nam. Do điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của DN nên các DN kiến nghị không sử dụng kết quả xác minh từ nước ngoài để làm cơ sở hoàn thuế cho DN.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang sốt ruột chờ hoàn thuế GTGT, đặc biệt trong ngành gỗ, nhựa, sắn... Ảnh: AN NA
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, phản ánh từ đầu năm đến nay, không DN nào trong hội được giải quyết hoàn thuế GTGT. Trong đó, nhiều DN chưa được hoàn thuế trong vài năm trở lại đây với số tiền rất lớn. Đơn cử, Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) bị nợ thuế GTGT đến 350 tỉ đồng.
"Cơ quan thuế nhận hồ sơ hoàn thuế GTGT rồi nói DN chờ mà không có bất kỳ phản hồi hay hướng dẫn nào thêm, khiến DN rất bị động. Ngay DN của tôi cũng đang bị giam 1,5 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT trong 2 năm nhưng chưa làm thủ tục hoàn thuế bởi nhiều DN có số thuế cần hoàn lớn, nộp hồ sơ cả năm nay vẫn chưa được giải quyết thì khó đến lượt DN có số tiền hoàn thuế nhỏ" - ông Quốc Anh bày tỏ.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), thông tin kết quả khảo sát tình hình hoạt động của DN trên địa bàn trong quý I và II/2023 cho thấy số DN bị giảm doanh thu chiếm 51%, số DN có lợi nhuận giảm chiếm 62% và sản phẩm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41%.
Hầu hết DN đang kinh doanh không thuận lợi và dự báo tiếp tục khó khăn trong những tháng cuối năm. "Vì vậy, rất mong cơ quan thuế có chính sách hỗ trợ hoàn thuế GTGT nhanh hơn để DN có vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động" - ông Phước Hưng kiến nghị.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hưng, chỉ rõ tâm lý sợ sai, sự thận trọng quá mức của cơ quan thuế đã dồn khó khăn cho DN. Nhiều DN phải vay mượn để tạm nộp thuế GTGT với niềm tin sẽ được hoàn thuế theo thời hạn quy định. Thế nhưng, thời gian xác minh hồ sơ hoàn thuế kéo dài quá lâu, gây khó khăn cho DN.
"Nhiều DN bức xúc vì nếu DN chậm nộp thuế dù chỉ 1 ngày sẽ bị phạt chậm nộp nhưng cơ quan thuế chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế thì không bị chế tài, cũng không phải trả tiền lãi phát sinh trên số tiền thuế lẽ ra phải hoàn cho DN đúng hạn. Cần thiết phải có chế tài đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT để tạo áp lực, đẩy nhanh hoàn thuế và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN" - ông Ngọc Hưng nêu quan điểm.
Cần phân loại quản lý rủi ro
Theo các chuyên gia, những DN xuất khẩu là đối tượng được hoàn thuế GTGT đang chịu nhiều rủi ro nhất bởi phải chịu trách nhiệm thay cho một số DN tham gia các khâu trung gian trong chuỗi giao thương mà không tuân thủ pháp luật.
Việc này có thể dẫn đến hệ lụy là gây ách tắc kéo dài cho cả chuỗi giao dịch, tác động bao trùm lên các bên tham gia chuỗi bất kể tuân thủ hay không tuân thủ pháp luật. Các DN xuất khẩu vì thế không thể duy trì kế hoạch sản xuất - kinh doanh, không trả được các đơn hàng đã ký, kéo theo tỉ suất lợi nhuận thấp.
Từ thực tế trên, các DN kiến nghị cần phân loại quản lý rủi ro về thuế theo dấu hiệu vi phạm của từng khâu, đối tượng cụ thể; giảm bớt số hồ sơ thuộc diện kiểm trước - hoàn sau. Trong đó, ưu tiên hoàn thuế GTGT cho DN xuất khẩu lâu năm, có uy tín, có quá trình tuân thủ nghiêm chỉnh quy định pháp luật về thuế.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TP HCM, dẫn chứng ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore..., việc hoàn thuế cho DN có thể triển khai theo từng tháng. Việt Nam cũng cần cải thiện việc hoàn thuế, hướng tới hoàn theo quý nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN có dòng vốn lưu động, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Giám đốc một công ty tư vấn thuế tại TP HCM cho biết trước năm 2016, việc hoàn thuế GTGT rất đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi ngành thuế bắt đầu áp dụng hóa đơn điện tử đã phát sinh nhiều trường hợp xuất hóa đơn khống, gian lận về hóa đơn nhằm trục lợi thuế GTGT.
Điều này buộc ngành thuế phải truy tìm nguồn gốc hàng hóa từ đơn vị xuất hóa đơn đầu tiên đến đơn vị cuối cùng. Trong khi đó, nhân lực và năng lực của ngành thuế còn hạn chế nên tốn rất nhiều thời gian mới có thể xác minh xong, nhất là khi có trường hợp chỉ một loại hàng hóa nhưng có đến hàng chục DN xuất hóa đơn. Thậm chí, trong một số trường hợp, cơ quan thuế không thể truy ra nguồn gốc xuất hóa đơn vì DN đã bỏ trốn.
"Cần thay đổi quy định theo hướng việc xác minh hóa đơn hàng hóa chỉ thực hiện đối với 2-3 giao dịch gần nhất, còn các giao dịch trước đó có thể hậu kiểm. Nếu phát hiện DN có dấu hiệu gian lận hóa đơn thì chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định" - giám đốc công ty tư vấn thuế đề xuất.
Quản lý chặt khi lập doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết để ngăn chặn gian lận, trục lợi thuế GTGT, cần quản lý "từ sớm, từ xa". Cụ thể, bộ sẽ kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp nghiệp vụ để thẩm định chặt chẽ việc thành lập DN. Sau khi cấp phép thành lập DN, có chế độ hậu kiểm các điều kiện mà DN đăng ký nhằm kiểm soát việc thành lập DN với mục đích mua bán hóa đơn GTGT để gian lận tiền thuế.
Bộ Tài chính cũng xem xét, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật để nâng mức xử phạt đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Bình luận (0)