xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một chữ hoà

Lê Văn Lan

Tiết xuân, thử làm một điều tra xã hội học - bằng phỏng vấn thống kê - các vị ngồi "cho chữ" ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Thăng Long, Hà Nội, xem năm nay những người đến "xin chữ" thường trọng vọng chữ gì?

 Kết quả: Như mọi năm, ba chữ "Phúc", "Tâm", "Đức" vẫn ở vị trí hàng đầu. Duy nhất bất ngờ là chữ "Nhẫn", bỗng nhiên chiếm chỗ của chữ "Lộc" mà đứng vào hàng thứ tư!

Càng bất ngờ là câu giải thích của các ông đồ hiện đại:

- Không có chuyện phản ánh, cảnh báo về tâm trạng xã hội gì đâu! Chẳng qua, ít chữ nhưng lại sính chữ, thấy hay hay về tự dạng "Dao chém vào lòng" - (chữ "Nhẫn", viết chữ "Đao" với một nét cắt ngang, ở trên chữ "Tâm") - thế là người ta "xin" chữ ấy thôi!

"Ngộ" ra được một chuyện về trình độ của người đương thời đối với việc "chữ nghĩa thánh hiền" là như thế, nên bỗng lại thấy muốn lan man về một chữ "Hòa" mà hầu chuyện mọi người.

Chữ "Hòa" của Tuệ Trung Thượng Sĩ 

Ở về thế kỷ 13 của lịch sử dân tộc, có một chữ "Hòa" rất quý hóa được Tuệ Trung Thượng Sĩ nêu ra.

Tuệ Trung Thượng Sĩ, tên thật là Trần Quốc Tung, thường được gọi tắt là Trần Tung và có tước Hưng Ninh Vương làm hiệu.

Ngài là con của An Sinh Vương Trần Liễu, anh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hoàng hậu Thiên Cảm. Thiên Cảm là vợ của vua Trần Thánh Tông. Do đó, ngài là anh vợ của Trần gia Đệ nhị đế và được Trần Thánh Tông rất quý trọng, đem thái tử là Trần Khâm giao cho ngài dạy dỗ.

Trần Khâm, khi được vua cha nhường ngôi, trở thành Trần gia Đệ tam đế, miếu hiệu Trần Nhân Tông - chính là "Phật Hoàng Trần Nhân Tông", như đang được người bây giờ xưng tụng. Và mọi người đều biết tài năng, đức độ, sự nghiệp của Phật Hoàng, khởi sự là nhờ vào sự rèn cặp của người bác ruột và thầy học - Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Vô cùng nhiều, là những điều mà Tuệ Trung Thượng Sĩ truyền dạy cho Trần Nhân Tông. Nhưng để thu gọn lại thì có thể nói đó là bốn chữ "Hòa Quang Đồng Trần". Và đây, cũng có thể nói là bốn chữ tóm tắt toàn bộ sự nghiệp tư duy và trước tác quý báu của Tuệ Trung Thượng Sĩ để lại cho đời.

Một chữ hoà- Ảnh 1.

Ảnh: Tấn Thạnh

Chữ "Hòa" trong di ngôn của Tuệ Trung Thượng Sĩ, được liên kết với chữ "Đồng", cho nghĩa (dịch sát từng chữ một): "Hòa sáng cùng đời". Dịch thoát thì thành: "Hòa trộn ánh sáng của đạo lý nói chung, đạo Phật nói riêng, cho (bụi bặm) cuộc đời ("Trần" = "Bụi").

Đó là phương châm và giá trị hành động của thứ tôn giáo mà Tuệ Trung Thượng Sĩ cực kỳ uyên thâm, trông mong và truyền bá. Tiếp nhận điều này, Trần Nhân Tông - sau thời gian tham gia lãnh đạo hai cuộc kháng chiến (lần thứ 2 và thứ 3) vô cùng vẻ vang, oanh liệt, chống xâm lược Nguyên - Mông, trở thành Anh hùng dân tộc - đã chuyên tâm tu tập, sáng lập được Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, trở thành Tổ thứ nhất của dòng Phật giáo dân tộc này, mà phương châm và giá trị hoạt động, cũng là bốn chữ (đầu đề một bài phú nổi tiếng của ngài): "Cư Trần Lạc Đạo" - "Vui Đạo cùng Đời" (Sống cùng với cuộc đời (bụi bặm) mà vui vẻ với đạo lý nói chung, đạo Phật nói riêng).

Trong bối cảnh đó, chữ "Hòa" của Tuệ Trung Thượng Sĩ, từ hơn 700 năm trước, được xác định ngữ nghĩa và mang sắc thái tu từ học Hán ngữ, là "Hòa Đồng", còn ở tiếng Việt thì đó là: "Chan hòa", "Hòa trộn"…

Chữ "Hòa" của Nguyễn Trãi

Sách "Đại Việt sử ký toàn thư", ở đoạn biên niên về năm 1437, chép được một lời của Anh hùng dân tộc - nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi: "Hòa bình là gốc của (âm) nhạc"!

Chữ "Hòa" ở đây gắn bó trực tiếp với chữ "Bình" cho thấy: Lần đầu tiên và từ rất sớm, tổ hợp từ "Hòa Bình" đã xuất hiện, trong và trên dòng lịch sử cổ trung đại của dân tộc.

Nhưng có lẽ hai chữ "Hòa Bình" - với chữ "Hòa" ở đầu - này không phải đã được thiên tài Nguyễn Trãi ngày ấy dùng với nghĩa như chữ "Hòa bình" ngày nay.

Bây giờ thì "Hòa bình" luôn và đang được sử dụng đi kèm và đối lập với "Chiến tranh". Cho nên, ở thời Trung cổ, cụ thể và tiêu biểu là ở chính bản thiên cổ hùng văn "Bình Ngô đại cáo" (hoàn thành và công bố vào năm 1428) của Nguyễn Trãi, "Thái bình" hoặc "Thanh bình" mới là chữ được dùng với ngữ nghĩa này:

Một chữ hoà- Ảnh 2.

 … "Để mở nền thái bình muôn thủa

Để rửa mối sỉ nhục ngàn thu"…

… "Một gươm đại định, nên công oanh liệt vô song

Bốn biển thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn"…

Đọc lại "Đại Việt sử ký toàn thư", ta thấy chữ "Hòa" ở câu "Hòa bình là gốc của (âm) nhạc" được chép trong toàn văn và nguyên văn "Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc". Và câu này lại được dùng trong ngữ cảnh Nguyễn Trãi bàn về âm nhạc với vua Lê Thái Tông và giữa bối cảnh: Nguyễn Trãi được lệnh (cùng với hoạn quan Lương Đăng) soạn nhã nhạc cho sinh hoạt cung đình, nên "Dâng bản vẽ Khánh đá và tâu rằng".

Nguyên văn và toàn văn lời "tâu rằng" của Nguyễn Trãi như sau: "Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu, soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng về học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa".

Như vậy, đến đây, và ở chỗ này, ta thấy: Chữ "Hòa: của Nguyễn Trãi - khi đột xuất được gắn với chữ "Bình", thành ra là "Hòa Bình" - thì chính nghĩa dịch là: "Hài Hòa".

Đó là thuật ngữ và thuộc tính của âm nhạc và "nhạc học", gần với các chữ "Harmodie", "Melodie" trong ngôn ngữ phương Tây.

Và, liền đó, khi Nguyễn Trãi đột nhiên "lái vấn đề" sang "chuyện chính trị" - ngay sau lời tâu bày về âm nhạc và nhạc học - bằng câu: "Xin bệ hạ (tức: vua Lê Thái Tông) yêu nuôi muôn dân, để chốn thôn cùng xóm vắng không còn tiếng oán giận sầu than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc", thì đó, chữ "Hòa" của họ Nguyễn thực nghĩa chính là: "Hòa thuận", "Hòa hợp" và cả "Khoan hòa", "Dung hòa" nữa.

Nhà vua chuyên chế Nguyễn Tự Đức, chính vì đã hiểu chữ "Hòa" của Nguyễn Trãi theo những nghĩa này, nên mới "châu phê" vào sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" - cũng ở đoạn biên niên về năm 1437 - câu rằng: "Lời tâu bày (của Nguyễn Trãi) tuy nói đúng được căn bản của nhạc nhưng khi thi hành ra chính sự thì khó đấy!".

Chữ "Hòa" của vua Tự Đức

Tự Đức là nhà vua thứ tư triều Nguyễn và là người giữ kỷ lục ngồi ngai lâu nhất, trong số 13 đời vua nhà Nguyễn: 36 năm, từ năm 1847 đến 1883.

Đây cũng là thời gian chủ yếu diễn ra cuộc xâm lược nước Việt của thực dân Pháp.

Là người đứng đầu sự nghiệp bảo vệ đất nước, rất thông minh và chăm chỉ nhưng thể chất yếu đuối và là tín đồ cuồng nhiệt của Nho giáo và Nho học thời suy tàn, do đó nhiễm nặng tư tưởng bảo thủ, nệ cổ và lạc hậu, nên rất lúng túng về đường lối, giữa hoàn cảnh "nước nhà lắm việc", như chính lời nhà vua than thở.

Vì thế, dần dần dẫn đến chữ "Hòa" của/ở Tự Đức trong cuộc đương đầu với thực dân Pháp và chữ "Hòa" này thì lại được/hoặc buộc phải đem ra thi triển, bởi một đám cận thần, cũng bảo thủ, nệ cổ và lạc hậu, có khi còn hơn cả nhà vua.

Quan Phụ chính đại thần của vua Tự Đức là Tôn Thất Thuyết, ngày 13-7-1885, thác lời vua Hàm Nghi trong bài "Dụ Cần Vương", đã có những lời lẽ tiêu biểu, nói về chữ "Hòa" này:

- "Từ xưa, kế sách chống giặc không ngoài 3 điều: đánh, giữ, hòa. Đánh thì chưa có cơ hội, giữ thì khó định hẹn được sức, hòa thì chúng đòi hỏi không biết chán"!

Đó cũng là chữ "Hòa" sầu não mà chuyện kể về khoa thi tiến sĩ năm 1868 nói rằng: "Trong thế khó xử, Tự Đức đã đem ba chữ "Hòa hay Đánh" ra làm đề tài hỏi thi và đã có một thí sinh được chấm đỗ, trả lời qua nước mắt của bài dự thi: "Độc bệ hạ chi chiếu nhi bất thống khốc giả, phi nhân thần dã" (Đọc lời chiếu của bệ hạ, người không đau đớn mà khóc, không phải là kẻ bề tôi vậy). Tự Đức, thông cảm với sự chia sẻ về chữ "Hòa" đau khổ đó, đã đặc cách ban cho một miếng quế để bồi dưỡng, kèm lời nhận xét: "Trẫm kiến tiến sĩ Dương Khuê, bẩm chất ty nhược, yếu nghi gia tâm điều dưỡng vị quốc trừ dụng" (Trẫm thấy tiến sĩ Dương Khuê sức vóc yếu đuối, rất nên để ý điều dưỡng, dành cho việc nhà nước sử dụng sau này).

Nhưng vẫn chính là vị tiến sĩ đó - họ Dương tên Khuê - sau đấy được bổ làm quan Bố chánh Hải Dương, trước sự lấn lướt lộng hành của thực dân Pháp, đã dâng sớ lên vua, xin thôi chữ "Hòa" nhu nhược mà quyết ra quân đánh giặc, thì lại bị Tự Đức phê ngay vào sớ bốn chữ "Bất thức thời vụ" (Không hiểu thế sự), thậm chí còn giáng chức, điều đi làm việc khẩn hoang!

Thành ra, vâng theo chữ "Hòa" của Tự Đức, hàng loạt quan chức đại thần - từ Phan Thanh Giản đến Lâm Duy Hiệp, từ Trần Đình Túc đến Nguyễn Trọng Hợp… - đã miệt mài đắm đuối mà đi "Nghị Hòa" (giảng hòa, bàn hòa) - thực ra là "Cầu Hòa" với thực dân Pháp, để được/hoặc buộc/phải ký vào hàng loạt những "Hòa ước" - thực chất là những "Hàng ước" - từ Nhâm Tuất (1862) đến Giáp Tuất (1874), Quý Mùi (1883), Giáp Thân (1884)…, hết "nhường" cho giặc 3 tỉnh rồi 6 tỉnh Nam Kỳ, lại "nhận" sự "bảo hộ" của thực dân ngoại bang, tức cam chịu làm tôi tớ cho đô hộ nước ngoài, làm mất chủ quyền và nền độc lập của nước nhà.

Bởi vậy, mùa xuân năm Rồng 2024 này, nghĩ ngợi hoặc đi "xin chữ" chắc không ai muốn được chữ "Hòa" theo ngữ nghĩa chữ "Hòa" của vua Tự Đức nữa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo