Nhóm nghiên cứu do nhà vật lý thiên văn Caitlyn Nojiri từ Đại học California Santa Cruz (Mỹ) đứng đầu đã tìm thấy dấu vết tác động của một siêu tân tinh cổ đại lên sự sống Trái Đất trong quá khứ.
Đáng ngạc nhiên, dường như cú tấn công bất ngờ từ không gian lại đem lại lợi ích, ít nhất là đối với một số loài.

Một hành tinh giống Trái Đất bị tác động bởi siêu tân tinh - Ảnh đồ họa: NASA
Phát hiện đến từ cuộc nghiên cứu những loài virus sống tại hồ Tanganyika ở châu Phi cũng như các bằng chứng địa chất liên quan đến những lần hành tinh bị "tắm" trong bức xạ vũ trụ mạnh mẽ.
Theo Sci-News, sự sống trên Trái Đất liên tục phải tiếp xúc liên tục với bức xạ ion hóa từ cả nguồn gốc trên cạn và vũ trụ.
Trong khi độ phóng xạ trong nền đá giảm dần theo thời gian hàng tỉ năm, mức độ bức xạ vũ trụ lại dao động khi hệ Mặt Trời của chúng ta di chuyển qua Ngân Hà (tức thiên hà chứa Trái Đất Milky Way).
Đặc biệt, mức độ bức xạ tăng cao được dự đoán khi hệ Mặt Trời đi qua gần các nhóm sao lớn gọi là liên kết OB, vốn tạo ra những cơn gió sao khắc nghiệt, thổi lên giữa vũ trụ những siêu bong bóng plasma nóng.
Ước tính khoảng 6,5 triệu năm trước, Trái Đất đã đi vào một cấu trúc như vậy, gọi là "Bong bóng cục bộ", với lớp ngoài giàu bụi sao.
Điều này đã khiến hành tinh tắm trong các hạt sắt-60 cũ kỹ, một dạng sắt phóng xạ được tạo ra bởi các ngôi sao phát nổ.
“Sau đó, cách đây khoảng 2-3 triệu năm, một trong những ngôi sao lân cận của chúng ta đã phát nổ với lực cực lớn, cung cấp cho hành tinh của chúng ta một nhóm sắt phóng xạ khác” - bài nghiên cứu trên tạp chí Astrophysical Journal Letters cho hay.
Trong đó, mốc thời gian khoảng 2,5 triệu năm được cho là hợp lý nhất.
Các mô hình cho thấy trong 100.000 năm sau vụ nổ, Trái Đất của chúng ta đã bị làn sóng phóng xạ mạnh mẽ tấn công.
Mô hình này đã giải thích một cách hoàn hảo về sự gia tăng đột biến bức xạ vào thời điểm đó từng được các nghiên cứu địa chất khác ghi nhận, điều đã khiến các nhà thiên văn học bối rối trong nhiều năm.
Điều đáng nói là khi đó sự sống Trái Đất đã rất phát triển. Bức xạ mãnh liệt được biết đến là có khả năng làm hỏng DNA.
Nhưng nghiên cứu tiến hóa dựa trên cộng đồng virus ở châu Phi cho thấy vào đúng thời điểm đó, một bước ngoặt tiến hóa đã khiến chúng trở nên đa dạng hơn, phát triển hơn vượt trội.
Sự trùng khớp về mặt thời gian giúp suy ra rằng bức xạ vũ trụ còn có thể thúc đẩy sự sống Trái Đất tiến hóa, hoặc ít nhất là một số loài.
Vẫn chưa rõ các loài khác có nhận được lợi ích tương tự như virus hay không, nhưng đó sẽ là một hướng đi mới thú vị để các nhà sinh học tiến hóa tiếp tục nghiên cứu.
Bình luận (0)