Những ngày đầu tháng 2-2024, chúng tôi trở lại Khu truyền thống cách mạng Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (Khu di tích Mậu Thân 1968) ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tại đây, các nhân viên đang tất bật với việc trang trí để phục vụ khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Sẵn sàng đón khách
Theo bà Phan Thị Cẩm Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý các di tích lịch sử dịch vụ văn hóa Bình Chánh, để phục vụ khách tham quan Khu di tích Mậu Thân 1968 vào dịp Tết Nguyên đán, trung tâm đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động.
Cụ thể như trồng hàng trăm chậu hoa hướng dương, vạn thọ, hoa cúc ngũ sắc, hoa cúc mâm xôi, cây lá vàng bạc, hoa xác pháo cùng với các loại hoa kiểng có sẵn để trang trí ở khu di tích thêm đa dạng, đẹp mắt.
Ngoài ra, thực hiện 5 tiểu cảnh, treo cờ xung quanh khu di tích, lắp sơ đồ hướng dẫn, đặt trụ triển lãm hình ảnh, trang trí cổng chào, sâu khấu…
Đến nay, những việc trên đã hoàn thành và sẵn sàng đón khách.
Cũng theo bà Phan Thị Cẩm Hồng, khu di tích có diện tích 12 ha, khối công trình chính gồm: Bức phù điêu được đúc bằng đồng đỏ, cao 9 mét, dài 90 mét tái hiện lại toàn bộ những trận đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn qua 2 đợt tấn công vào Xuân Mậu Thân 1968. Nhóm tượng chính giữa là lực lượng thanh niên xung phong, quân giải phóng, lực lượng hậu cần, dân công hỏa tuyến.
Trong năm 2023, Khu di tích Mậu Thân 1968 đã đón tiếp hơn 200 đoàn với 23.640 khách đến tham quan
Văn Bia được khắc một số bài thơ ca ngợi tinh thần yêu nước, sự kiên cường trong chiến đấu của quân và dân ta do Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu sáng tác.
Khu vực ngọn lửa: Được gọi là ngọn lửa bất diệt, biểu hiện cho tinh thần hi sinh, bất khuất của các anh hùng trong cuộc tiến công.
Ngọn lửa lớn bên ngoài được đúc bằng đồng thể hiện ý chí quật cường, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất qua nhiều thế hệ. Biểu tượng ngọn lửa nhỏ (màu đỏ) bên trong thể hiện cho thế hệ trẻ tiếp nối thế hệ hào hùng của ông cha ta.
Tầng hầm (nhà truyền thống) thiết kế hình tròn, thấp hơn với mặt đất 6 mét, diện tích 3.200 m2. Nơi đây trưng bày 4 chuyên đề thể hiện đậm nét những dấu ấn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ngoài ra còn có phòng trình chiếu sa bàn kết hợp màn hình chiếu phim và khu vực tái hiện cảnh chiến đấu tại đường Minh Phụng theo tỉ lệ 1:1.
Giáo dục truyền thống cách mạng
Khu di tích Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ.
Đây cũng là những địa chỉ du lịch truyền thống, điểm đến trong các tour du lịch khám phá về nguồn nhằm giới thiệu, quảng bá con người, lịch sử, văn hóa Sài Gòn - TP HCM và tiếng vang sự kiện Mậu Thân 1968 đến với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Đến khu di tích vào dịp xuân Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Văn Tâm, một cựu chiến binh, cho hay khu di tích được trang trí đẹp, trang nghiêm.
Theo ông Tâm, Khu di tích Mậu Thân 1968 thực sự trở thành địa chỉ đỏ không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn giáo dục truyền thống cách mạng cho hế hệ trẻ, góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước của mỗi người dân.
Em Võ Thị Hạnh, sinh viên một trường đại học ở TP HCM, cho biết lần đầu tiên đặt chân đến khu di tích có cảm giác bùi ngùi, xúc động. Khu di tích đã khắc họa được từng chi tiết của cuộc chiến tranh giúp cho những người trẻ biết được ông cha đã trải qua cuộc chiến đầy gian nan như thế nào.
"Hi vọng địa điểm lịch sử này sẽ giúp mọi người hiểu được cuội nguồn, tự hào về dân tộc mạnh mẽ và kiên cường của dân tộc ta" - Hạnh nói..
Bình luận (0)