BHXH Việt Nam cho biết Luật BHYT sửa đổi năm 2014 đã tăng mức chi BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo từ 95% lên 100%; người cận nghèo từ 80% lên 95%; nhóm bảo trợ xã hội cũng được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB).
Năm 2023, mức chi KCB BHYT bình quân cho nhóm hưu trí là 6,3 triệu đồng/người; nhóm bảo trợ xã hội là 5 triệu đồng/người, trong đó, mức đóng BHYT bình quân của các nhóm đối tượng là 1,3 triệu đồng/năm.
Theo BHXH Việt Nam, thực tế những năm qua, nhiều trường hợp người bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm… đã được quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỉ đồng/năm.
Gần đây nhất là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Quốc Tr., 19 tuổi (ở Thanh Hóa) mắc căn bệnh đặc biệt hiếm, được quỹ BHYT chi trả gần 800 triệu đồng, hiện đã trở về với cuộc sống bình thường.
BHXH Việt Nam cũng cho biết 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỉ đồng cho khám, chữa bệnh BHYT.
Riêng năm 2023, số chi khám, chữa bệnh BHYT từ Quỹ BHYT khoảng 123 ngàn tỉ đồng, gấp 8 lần so với năm 2009.
Hiện nay, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… cũng đã được quỹ BHYT chi trả.
Cả nước hiện có gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT (gồm khoảng 2.897 cơ sở khám chữa bệnh và gần 10.000 trạm y tế xã). Hệ thống khám chữa bệnh BHYT được tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.
Hiện 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân.
Bình luận (0)