TS-BS NGUYỄN TRUNG NGUYÊN, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), trả lời: Khi uống rượu bia, nồng độ cồn trong máu sẽ đạt đỉnh trong khoảng 1 giờ đến 1 giờ 30 phút sau đó và giảm từ từ. Nồng độ cồn hấp thu và đào thải nhanh hay chậm còn tùy thuộc cơ địa, chức năng gan, thức ăn trong ruột, lượng rượu bia uống vào, tình trạng hoạt động cơ thể của mỗi người. Có người đào thải nhanh, cũng có người đào thải chậm.
Nồng độ cồn trong máu sẽ được đào thải qua 2 đường là hơi thở và nước tiểu, một phần qua phân. Vì vậy, khi uống bia hay rượu, để giúp cơ thể đào thải nồng độ cồn nhanh, bạn có thể duy trì hoạt động thông khí như nói cười nhiều hoặc hát karaoke. Hoạt động này giúp làm cho nồng độ cồn giảm nhanh hơn là uống xong ngồi gục. Nếu có không gian riêng tư, sau khi uống bia rượu, bạn có thể hát vài bài để đào thải cồn nhanh hơn.
Ngoài hát, việc bổ sung nước lọc, nước khoáng và điện giải đúng cách cũng sẽ giúp nồng độ cồn giảm nhanh hơn. Các thuốc giải rượu có chứa nhiều thành phần lợi tiểu giúp cơ thể tỉnh táo hơn song không được khuyến khích sử dụng. Nếu uống rượu từ tối hôm trước, thông thường, cơ thể sẽ hết nồng độ cồn vào trưa hôm sau. Trường hợp dương tính với nồng độ cồn tới 20 giờ sau khi uống rượu thường là do lạm dụng, uống quá nhiều rượu, bia.
Bình luận (0)