Khám phá những cung bậc cảm xúc, góc khuất trong đời sống của những người làm nghề giao hàng công nghệ (shipper) thời nay.
Từ trải nghiệm cá nhân đến những mảnh đời mà phóng viên từng gặp, qua loạt phóng sự này, bạn đọc được khám phá những cung bậc cảm xúc, góc khuất trong đời sống của những người làm nghề giao hàng công nghệ (shipper) thời nay
Sau liên tiếp những câu chuyện xảy ra với những người làm nghề shipper, cuối tháng 5-2025, tôi được trưởng ban phân công đi đăng ký làm người giao hàng để hiểu hơn công việc của nghề này.
Dễ dàng "khởi nghiệp"
Tôi tìm kiếm thông tin việc làm shipper trên mạng xã hội, tải một ứng dụng (app) để đăng ký. Không yêu cầu bằng cấp, chỉ cần có căn cước công dân, xe máy, giấy phép lái xe, tham gia lớp đào tạo online ngắn, vượt qua bài kiểm tra, tốn 550.000 đồng để mua mũ bảo hiểm, áo đồng phục, tài khoản của tôi được kích hoạt, được nhận đơn giao hàng. Chỉ sau một ngày, tôi chính thức trở thành đối tác giao hàng (tên các công ty công nghệ dùng để gọi shipper - PV) của app Grab.
Những tưởng chỉ cần bật app, nhận đơn và giao hàng là có thể dễ dàng kiếm tiền nhưng chỉ sau vài giờ chạy xe dưới nắng gắt và những lần giao hàng đầu tiên trầy trật, tôi mới nhận ra: nghề shipper không đơn giản như tưởng tượng.
7 giờ một ngày cuối tháng 5, trời đã nắng gắt, tôi đến giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức cũ, TP HCM) bật app chờ "nổ" cuốc. Trái với mong đợi, sau 30 phút, app vẫn im lìm, không có dấu hiệu có đơn.
Thấy tôi lớ ngớ, một đồng nghiệp lớn tuổi chạy xe ôm công nghệ kiêm shipper liền "mách nước": "Trời ơi! App nổ ngẫu nhiên nhưng phải có chiêu thì mới có nhiều đơn. Chú em chịu khó chạy qua chỗ có nhiều quán ăn thì dễ "nổ" đơn hơn, do lượng khách đặt cao. Chứ đứng đây, coi chừng ế chỏng chơ".
Quả như lời "đồng nghiệp", khi tôi vừa đến đường Hoàng Diệu 2 - con đường tập trung nhiều hàng quán ở TP Thủ Đức (cũ) thì ngay lập tức app "nổ" cuốc. Dù vậy, những chuyến giao hàng ban đầu cũng chẳng dễ dàng.
Chuyến hàng đầu tiên, tôi nhận trà sữa từ TP Thủ Đức sang TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương cũ). Sau khi đến quán lấy hàng cho thật nhanh, tôi loay hoay mãi mới tìm được đường do chỗ của khách là một khu trọ nằm trong hẻm. Đến nơi, tôi gọi 6 cuộc, dù đổ chuông nhưng khách không phản hồi. Nóng ruột vì không thể để đơn hàng đầu tiên bị "bom", tôi xộc thẳng vào hỏi từng phòng trọ. Đến lượt thứ 3 thì tìm được khách, hỏi thì khách nói đang nấu ăn nên không để ý điện thoại (!?). Bấm nút đã giao đơn đầu tiên thành công, nhận về ví hơn 12.000 đồng cho quãng đường 5 km (khoảng cách đến quán và vị trí của khách - PV), tự dưng tôi thấy miệng mình đắng ngắt.
Đến tối, sau ngày đầu trải nghiệm 8 giờ làm shipper, tổng thu nhập của tôi được 268.000 đồng, chưa trừ tiền xăng 50.000 đồng. Nhìn vào gương, tôi thấy da đã sạm đi…

Chỉ sau một ngày đăng ký, phóng viên chính thức trở thành đối tác giao hàng của ứng dụng Grab
Mẹo "nổ" đơn
Những ngày sau, công việc trơn tru hơn. Có đơn hàng khoảng cách 10 km nhưng tiền công khoảng 30.000 - 40.000 đồng/chuyến, thỉnh thoảng được khách "bo" thêm 2.000 - 10.000 đồng. Cũng có những lời dặn dò của khách làm tôi ấm lòng như "Cứ chạy xe từ từ không cần vội, nguy hiểm lắm".
Nhưng số khách đó không nhiều. Đa số khách tôi gặp khi nhận hàng đều có gương mặt lạnh tanh, không một lời cảm ơn. Như thế đã mừng, bởi còn có những "thượng đế" đáng sợ hơn. Có lần, một khách đặt mua nước ở đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) giao đến khu Thảo Điền (TP Thủ Đức). Đơn hàng này tôi được 22.000 đồng.
Đến quán nước, có chục shipper đang đợi. Hơn 15 phút mới được lấy nước, thêm không ít thời gian chôn chân trên đường do kẹt xe giữa trưa nắng, tôi mới đến được địa chỉ cần giao. Khi nhận hàng, khách nói tỉnh bơ: "Phiền anh đổi. Tôi đã chú thích rõ là rau má không bỏ đá, giờ sao lấy?".
Dù bực nhưng tôi chỉ có thể năn nỉ: "Anh thông cảm! Chắc đông nên quán không để ý, em giao theo đơn của quán đưa". Phải nói đến mấy lần, cộng thêm người phụ nữ ở cùng nhà người đàn ông nói giúp, khách mới chịu nhận. Hôm sau, tôi vào app thì thấy mình bị đánh giá "3 sao" (thang đánh giá shipper, 5 sao là cao nhất - PV).
Chưa kể đa số lượt giao hàng đều bị ghép đơn, tức shipper một lần sẽ nhận 2 đơn, giao cho 2 khách nên thời gian lâu hơn. Mới vào nghề, tay chân còn chậm và chưa thuộc đường nên khi tôi đến nơi, khách thường "mặt nặng mày nhẹ", thậm chí lớn tiếng mắng mỏ.
Để tinh tường hơn về nghề, tôi lân la đến những địa điểm các shipper hay đứng đợi chờ "nổ" đơn để học. Anh Minh Bằng (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) tận tình chỉ dẫn cách hiểu nhu cầu của khách hàng.
"Buổi sáng và trưa, mọi người thường ăn bún, phở, mì Quảng, cơm... nên đến các con đường có nhiều quán chuyên những món đó. Qua giờ cao điểm thì tìm các vị trí đứng gần quán cà phê, trà sữa... Phải học thuộc các địa chỉ ăn uống nổi tiếng hoặc đang nổi trên mạng xã hội. Đứng ở các vị trí này, tỉ lệ có đơn rất cao…" - anh Bằng nói.
Ngoài ra, theo anh Bằng, cần kiểm tra kỹ đơn hàng trước khi giao cho khách; phải biết cách quản lý đồ ăn, thức uống sao cho tốt nhất; lịch sự, nhã nhặn, nếu gặp khách dễ thương thì nhớ dặn khách chấm 5 sao để được ưu tiên trong việc nhận đơn sau này. Cuối cùng, để dễ "nổ" đơn hơn, cần "huấn luyện" app như con chó, con mèo. Hằng ngày, đến đúng một địa điểm, một thời gian để app quen, tỉ lệ đậu đơn sẽ cao.
Những ngày làm shipper, tôi giao đủ loại hàng và nghiệm ra app thường "nổ" liên tục vào các giờ cao điểm trong ngày. Nếu là shipper dày dạn kinh nghiệm, thu nhập đủ sống nhưng tự trải nghiệm, tôi mới hiểu có những nỗi khổ mà người trong cuộc mới thật sự thấu hiểu. Để có thu nhập như thế, shipper buộc phải hoạt động liên tục 8 - 12 giờ/ngày, di chuyển miệt mài, chịu cảnh nắng gắt, mưa dầm cùng bao nỗi ê chề...

Bình nước miễn phí đặt trên vỉa hè ở nhiều tuyến đường của TP HCM là “cứu tinh” của shipper giữa trưa nắng gắt
Nhiều vụ shipper bị đánh
Chiều 16-5, anh N.T.P (29 tuổi, ngụ TP HCM) có 2 đơn hàng gửi cho gia đình người đàn ông tại chung cư T.S.A (phường An Phú, TP Thủ Đức cũ) với số tiền 64.000 đồng. Đến tối, do chưa nhận được tiền 2 đơn hàng trên, anh P. gọi điện cho khách để nhắc thì hai bên lời qua tiếng lại. Hai hôm sau, anh P. có một đơn hàng phải giao cho gia đình người này. Khoảng 5 phút sau, người đàn ông xuất hiện, lao đến đánh anh P. gãy mũi, tổn thương vùng ngực, phải đến bệnh viện thăm khám.
Sáng 28-4, anh N.Tr.V.H (24 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) giao đơn hàng cho N.T.T (22 tuổi). Khi đến nơi, anh H. gọi T. ra nhận hàng và thanh toán tiền phí nhưng T. nói để hàng lại, sẽ chuyển khoản thanh toán sau. Anh H. không đồng ý, dẫn đến cãi nhau qua điện thoại. T. từ trong nhà chạy ra đuổi đánh anh H. cho đến khi mọi người can ngăn. Anh H. bị xung huyết, chảy máu mũi, đau thành ngực trái, sưng nề trán trái.
Sáng 13-4, tại TP Hạ Long, anh N.T.Đ đến giao bộ máy tập gym trị giá 6,59 triệu đồng cho L.V.T. Hai bên mâu thuẫn do không thống nhất được cách thanh toán, T. đã chửi bới, tát vào mặt anh Đ. và không nhận hàng.
Tháng 2-2025, tại TP Hà Nội, một nam shipper bị tài xế Lexus hành hung bầm tím mắt, chảy máu mũi, đau đầu. Kết quả sơ bộ của Trung tâm Pháp y Hà Nội xác định anh bị chấn động não, tỉ lệ tổn hại gây thương tích 3%.
Đau lòng hơn là trường hợp anh Trần Thành, nam shipper ở Đà Nẵng, bị đánh chết vì đơn hàng 375.000 đồng khiến dư luận dậy sóng.
(Còn tiếp)
___________
Kỳ tới: Góc khuất nghề shipper
Bình luận (0)