Đây là gói viện trợ đầu tiên nằm trong dự luật Ukraine - Israel nhiều khả năng sắp được ký duyệt.
Gói viện trợ bao gồm các phương tiện quân sự, đạn phòng không Stinger, đạn bổ sung cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao, đạn pháo 155 mm, đạn chống tăng TOW và Javelin, các vũ khí khác có thể được đưa vào sử dụng ngay trên chiến trường…
Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ phê duyệt 60,8 tỉ USD viện trợ cho Ukraine từ năm ngoái nhưng bị các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện ngăn cản.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 23-4 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua 3 dự luật được Hạ viện thông qua trước đó, với tỉ lệ bỏ phiếu là 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống.
Trong số đó, một dự luật dành cho Ukraine. Dự luật thứ hai liên quan tới 26 tỉ USD viện trợ cho Israel, dự luật thứ ba liên quan tới 8,12 tỉ USD “để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Dự luật dành cho Ukraine yêu cầu chuyển giao ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội) với tầm bắn lên tới 305 km mà Kiev cam kết không sử dụng trong lãnh thổ Nga.
Nga đã tăng cường ném bom tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố của Ukraine trong những tuần gần đây, gia tăng áp lực lên Kiev.
Theo Reuters, một khi dự luật Ukraine được ký duyệt, quỹ bổ sung dự trữ của Mỹ sẽ tăng trở lại. Điều này làm giảm bớt lo ngại của Lầu Năm Góc rằng việc Tổng thống Joe Biden sử dụng quyền rút vốn của tổng thống (PDA) để hỗ trợ Ukraine sẽ làm tổn hại đến khả năng chuẩn bị của quân đội Mỹ.
Hàng chục tỉ USD trong dự luật sẽ được dành để mua vũ khí thay thế gửi tới Ukraine cùng với chi phí vận chuyển và hành chính.
Nếu dự luật này được thông qua, Tổng thống Biden có thể chuyển số vũ khí trị giá 11,9 tỉ USD từ kho dự trữ của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, khi các quỹ bổ sung được triển khai, các công ty quốc phòng Mỹ cũng giành được nhiều hợp đồng hơn trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn.
Bình luận (0)