Tổng thống Mỹ Joe Biden làm rõ lập trường của Nhà Trắng trước khi lên Air Force One tại sân bay quốc tế Berlin Brandenburg (Đức), RT đưa tin.
Khi được hỏi liệu ông có thay đổi ý định, cho phép Ukraine không kích lãnh thổ Nga không, ông Biden khẳng định “hiện tại, chưa có sự đồng thuận nào về vũ khí tầm xa”.
Một phóng viên tiếp tục hỏi trong trường hợp nào Washington sẽ sửa đổi lập trường, ông Biden nói mình sẽ không phỏng đoán về bất cứ thứ gì. Song ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh mặc dù từ chối yêu cầu của Ukraine, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev.
Tuyên bố trên được đưa ra hai ngày sau khi Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 425 triệu USD cho Ukraine.
Trong tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi cho phép sử dụng vũ khí tầm xa “trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine đang bị Nga kiểm soát và trên lãnh thổ Nga”, đồng thời yêu cầu các đối tác phương Tây cung cấp tên lửa và máy bay không người lái “phù hợp”.
Cho đến nay, Washington từ chối cho phép Ukraine dùng hệ thống tên lửa đánh vào các mục tiêu sâu bên trong nước Nga. Trong khi đó, Moscow cảnh báo việc tăng viện trợ quân sự cho Kiev sẽ dẫn tới làn sóng leo thang nguy hiểm mới. Hồi tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định việc "bật đèn xanh" cho Ukraine đồng nghĩa các nước NATO sẽ "ở trong tình trạng xung đột với Nga".
Cùng ngày 18-10, ông Putin cho biết Nga sẽ không bao giờ cho phép Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân và mọi nỗ lực để đạt được mục đích này đều phải đối mặt với phản ứng thích đáng. Tổng thống Nga cũng lưu ý giới lãnh đạo Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, “ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng leo thang”.
Ông Putin lập luận việc sản xuất vũ khí hạt nhân hiện "không quá khó", nhưng “không biết liệu Ukraine có khả năng đạt được hay không" và việc có được kho vũ khí hạt nhân "sẽ không đơn giản với Ukraine trong tình trạng hiện tại".
Hồi tháng 9, tổng thống Nga công bố một loạt thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga, mở rộng tiêu chí sử dụng vũ khí răn đe chiến lược.
Bình luận (0)