Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9-4 tuyên bố tạm hoãn các mức thuế quan nặng nề đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục nền kinh tế trong vòng 90 ngày. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục tăng áp lực lên Trung Quốc bằng cách tăng mức thuế đánh vào hàng hóa nước này từ 104% lên 125%.
Hôm 10-4, mức thuế trả đũa lên tới 84% của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ chính thức có hiệu lực trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày khẳng định Bắc Kinh "không muốn đối đầu nhưng sẽ không sợ hãi" nếu Washington tiếp tục đe dọa áp thuế. Trong khi đó, theo trang The Guardian, Bộ Thương mại Trung Quốc có phản ứng ôn hòa hơn khi tuyên bố "cánh cửa đối thoại vẫn rộng mở".
Song song với biện pháp đáp trả bằng thuế quan, theo hãng tin AP, Trung Quốc đang có động thái chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác, trong đó có Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vừa có cuộc điện đàm mà nước này mô tả là "gửi thông điệp tích cực đến thế giới bên ngoài". Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc sẵn sàng cùng EU làm sâu sắc thêm hợp tác thương mại, đầu tư và công nghiệp.
Hôm 10-4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này và EU đã trao đổi về việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại.

Ô tô mới và các container hàng hóa được tập kết tại cảng Dương Tử, TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc hôm 9-4. Ảnh: AP
Trong cuộc họp trực tuyến với Ủy viên EU phụ trách thương mại và an ninh kinh tế Maros Sefcovic hôm 8-4, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã chỉ trích thuế đối ứng của Mỹ nhưng nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết các khác biệt thông qua tham vấn và đàm phán.
Trung Quốc cũng đề xuất với Úc về việc hợp tác nhằm ứng phó thuế quan Mỹ nhưng phía Úc hôm 10-4 đã lên tiếng từ chối. Phó Thủ tướng Úc Richard Marles nêu quan điểm rằng nước này muốn đa dạng hóa hoạt động thương mại và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Ông Marles nói thêm Úc sẽ tăng cường khả năng chống chịu kinh tế bằng cách củng cố quan hệ thương mại với EU, Indonesia, Ấn Độ, Anh và Trung Đông.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều không có dấu hiệu xuống thang, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hôm 9-4 ước tính rằng căng thẳng thương mại giữa hai nước này có thể làm giảm tới 80% thương mại hàng hóa song phương.
"Cách tiếp cận trả đũa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 3% thương mại toàn cầu, sẽ gây ra những tác động rộng hơn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế toàn cầu" - WTO cảnh báo. Tuyên bố của tổ chức này cũng cho biết việc chia nền kinh tế toàn cầu thành hai khối theo cách này có thể dẫn đến việc GDP thực tế toàn cầu giảm gần 7% trong dài hạn.
Cùng ngày, Trung Quốc đã nộp đơn khiếu nại mới lên WTO với lập luận rằng thuế quan của Mỹ đối với Bắc Kinh là "thiếu thận trọng" và đe dọa làm gia tăng bất ổn trong thương mại toàn cầu. Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ vi phạm các quy tắc của WTO và cho rằng Washington đang làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương. Trung Quốc cũng kêu gọi Ban Thư ký WTO nghiên cứu tác động của các mức thuế đối với thương mại toàn cầu và báo cáo kết quả cho các nước thành viên.
Thở phào và lo ngại
Các thị trường chứng khoán khắp thế giới đã phục hồi trong tâm lý nhẹ nhõm sau bước đi mới nhất về thuế quan của ông Donald Trump. Dù vậy, theo đài CNBC, các nhà đầu tư không nên bị cuốn theo làn sóng hưng phấn trên thị trường và cần lưu ý rằng ông Donald Trump chỉ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày để tiến hành đàm phán. Trong lúc tiến trình này diễn ra, sự bất định vẫn là yếu tố khiến các thị trường lo ngại.
Giá vàng thế giới cũng tăng và dao động quanh mức 3.120 USD/ounce do các nhà đầu tư tìm đến vàng trú ẩn sau khi Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc. Nhà phân tích Edward Meir tại Công ty Dịch vụ tài chính Marex (Anh) nhận định nếu kinh tế tăng trưởng chậm lại thì lãi suất sẽ giảm dần làm giá vàng tăng lên. Lý do là nỗi lo lạm phát vẫn còn dai dẳng trong năm nay vì ảnh hưởng của thuế quan. Theo chuyên gia này, giá vàng có thể chạm mốc 3.200 USD/ounce vào cuối tháng này hoặc sớm hơn.
Ở chiều ngược lại, giá dầu thế giới giảm khi Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Các chuyên gia của Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) cảnh báo các mức thuế cao hơn mà Mỹ áp lên Trung Quốc đang tạo ra rất nhiều bất ổn trên thị trường, có khả năng tiếp tục kìm hãm tăng trưởng toàn cầu, từ đó trở thành nỗi lo đối với nhu cầu dầu mỏ.
Xuân Mai
Bình luận (0)