Ông Trump hôm 9-4 bất ngờ thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày mà ông tuyên bố tuần trước. Nhưng riêng với Trung Quốc, ông không tạm dừng mà còn tăng thuế từ 104% lên 125%, tiếp tục cuộc trả đũa qua lại khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào thế đối đầu gay gắt.
Việc ông Donald Trump mạnh tay hơn với Trung Quốc có thể là một cách để giữ thể diện khi ông đảo ngược chính sách trước đó. Nhưng điều này sẽ làm gia tăng lo ngại rằng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đình trệ, gây tổn hại nặng nề cho cả hai bên và gây ra ảnh hưởng tiêu cực khắp toàn cầu.

Các phương tiện chuẩn bị xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. Ảnh: THX
Theo đài CNN, Nhà Trắng cố biến một cuộc "rút lui" thành một chiến thắng lớn, giải thích rằng các mức thuế đối ứng được tạm dừng vì nhiều nước đang mong muốn đàm phán với Washington.
Trong khi đó, Mỹ cho hay Trung Quốc bị trừng phạt vì đã đáp trả cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump bằng các mức thuế riêng.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent lý giải việc nhắm vào Trung Quốc là do Bắc Kinh "khăng khăng muốn leo thang".
Nhiều ý kiến ở Mỹ cho rằng quan hệ thương mại với Trung Quốc đang mất cân bằng và Mỹ cần một lập trường cứng rắn để đối phó với những vi phạm mà Bắc Kinh bị cáo buộc đã gây ra. Nhưng cách lãnh đạo thiếu nhất quán của ông Donald Trump dường như khó đạt được hiệu quả mong muốn.
Cuộc đối đầu này diễn ra sau nhiều năm Mỹ cố gắng giải quyết những gì họ cho là hành vi lạm dụng thương mại của Trung Quốc.
Ông Donald Trump tuyên bố rằng hàng loạt quốc gia đang mong muốn ký kết các thỏa thuận thương mại để giảm bớt thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không nằm trong số đó. Bắc Kinh cảnh báo rằng sẵn sàng đấu tranh đến cùng.
Bị cuốn vào một cuộc đối đầu leo thang nhanh chóng với Trung Quốc, theo đài CNN, ông Donald Trump buộc phải giữ thể diện bằng cách thực hiện lời đe dọa áp thuế nhập khẩu cao lên hàng hóa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, sự tự tin của Trung Quốc trước viễn cảnh một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ cũng bắt nguồn từ việc nước này tái định hướng và hiện đại hóa nền kinh tế. Bà Lily McElwee, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết Bắc Kinh cũng có thể tin rằng ngoài sức mạnh cốt lõi, họ có các công cụ trả đũa có thể gây thiệt hại cho Mỹ.
Vài giờ trước khi thuế quan trả đũa 84% của Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ có hiệu lực cũng như sau khi Mỹ áp thuế tổng cộng 125% lên Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao, tuyên bố thuế đối ứng của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của tất cả các quốc gia.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn để ngỏ đàm phán để đạt được thỏa thuận thương mại với các nước, kể cả Trung Quốc. Ông cho biết sẵn sàng hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bình luận (0)