Ngày 12-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả mà các quốc gia đang nỗ lực ưu tiên thực hiện gồm: Thực hiện môi trường 100% không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm diện tích lớn trên bao bì sản phẩm thuốc lá, tăng thuế thuốc lá...
Dù vậy, công tác phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ hút thuốc đã giảm nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc. Phơi nhiễm với khói thuốc còn khá phổ biến tại các nhà hàng, quán bar và một số nơi tập trung đông người.
Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, gần thấp nhất trong khu vực ASEAN. Các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa... Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
"Với những gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Sử dụng thuốc lá đang chuyển nhanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gây ra những tác hại đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường cho các nước, trong đó có Việt Nam"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên giảm một nửa nhưng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở giới trẻ đang ở mức báo động. Tình trạng này sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine, đe dọa đảo ngược những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
"Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ người trẻ tuổi trước bất kỳ sản phẩm nào. Việc này cũng giống như đưa cho họ một liều "vắc-xin" khi còn trẻ để bảo vệ họ trong suốt cuộc đời"- TS Angela nhấn mạnh.
Kiến nghị tăng thuế thuốc lá
WHO khuyến nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá và giá thuốc lá. Đồng thời, kêu gọi Quốc hội Việt Nam cấm thuốc lá điện tử và các sản phẩm nung nóng.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, cho biết công tác phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn nhiều thách thức lớn. "Chưa ở đâu thuốc lá rẻ như Việt Nam, chưa ở đâu thuốc lá dễ tiếp cận như ở Việt Nam. Cùng đó là sự gia tăng tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở phụ nữ, ở giới trẻ"- PGS Khuê nói.
Theo ông Khuê, thuốc lá truyền thống "gây chết từ từ" nhưng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể gây hậu quả ngay lập tức, thậm chí tử vong.
Trong số những người đang sử dụng thuốc lá điện tử có gần 70% đang sử dụng thuốc lá thông thường và hơn 8% đã từng hút thuốc lá thông thường. Điều này cho thấy thuốc lá điện tử không phải là công cụ giúp người đang sử dụng thuốc lá bỏ thuốc lá mà đây là "cửa ngõ" khuyến khích sử dụng thuốc lá trong tương lai.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh mãn tính không lây nhiễm, đặc biệt là ung thư phổi, tim mạch, xơ vữa động mạch… Khoảng 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Bình luận (0)