Với chị Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại và Phát triển bền vững - L'Oreal Việt Nam, mỗi phụ nữ phải được làm điều mình mơ ước, phải có giá trị và xứng đáng được yêu thương.
Trèo đèo, lội suối tìm học viên
Những trăn trở, suy nghĩ đã thôi thúc chị Trinh xây dựng dự án vì cộng đồng "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp".
Đây là một dự án đào tạo nghề miễn phí, tạo việc làm để những phụ nữ yếu thế tự tạo sinh kế cho mình hơn là lệ thuộc và cam chịu. Dự án của chị Trinh cuối cùng đã chiến thắng tại vòng thi quốc tế, được nhận xét là mang lại giá trị nhân văn cho ngành làm đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và có tính bền vững cao.
Kể từ đó, các lớp đào tạo nghề miễn phí tại những bản làng xa xôi nhất ở vùng núi như Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình hay các xã vùng sâu vùng xa ở ĐBSCL… lần lượt được mở. Chị Trinh và các tình nguyện viên phối hợp tích cực cùng địa phương để vận động từng người tham gia lớp học.
Chị Trinh bộc bạch: "Vận động họ ra học là một chuyện, giữ họ theo học để thành thạo nghề tóc và cuối cùng có việc làm tốt để thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn là điều không dễ dàng". Có những lúc, đội ngũ giáo viên đã cùng chị phải băng rừng, trèo đèo, lội suối ở những rẻo cao, vào tận nhà động viên, có khi mất hằng tuần, hằng tháng để học viên tiếp tục đến lớp và kiên trì với hành trình thay đổi cuộc sống của họ như hôm nay.
Đến nay, sau 15 năm kiên trì theo đuổi dự án, 15.000 phụ nữ yếu thế đã được đào tạo nghề tóc. Kết quả này đem lại cho chị Trinh niềm vui lớn lao. Chị đưa chúng tôi xem hình ảnh các tiệm tóc lần lượt ra đời ở các xóm ấp, bản làng do những người phụ nữ làm chủ. Chị đã đến tận nơi để theo dõi thành quả của mình.
Chứng kiến học viên tự tin phục vụ khách, thuần thục các kỹ năng trong nghề như gội đầu, massage, uốn tóc, nhuộm tóc, duỗi tóc, cắt tóc, làm móng, trang điểm cơ bản… và có thu nhập ổn định, thay đổi được cuộc sống, chị xúc động đến rơi nước mắt.
Những câu chuyện với cái kết đẹp
Chị Trinh kể về câu chuyện đến với nghề tóc của Vang Thị Ma tại một xã vùng sâu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Vang Thị Ma là nạn nhân của hủ tục bắt vợ từ khi mới 14 tuổi. Hủ tục đó đã đẩy cô đến quyết định giải thoát cuộc đời mình.
"May mắn là Vang Thị Ma được cứu sống kịp thời nhưng cuộc đời với em đã trở thành vô nghĩa, cho đến khi chúng tôi tình cờ gặp nhau tại bản làng của em. Chúng tôi cùng với Hội Phụ nữ xã thuyết phục em theo học chương trình đào tạo nghề tóc trong 4 tháng. Sau khi học xong, em đã tự tin mở một tiệm tóc nhỏ trên con dốc dẫn lên bản. Tiệm lúc nào cũng đông khách và giờ đây, em có thể lo cho các con được đến trường và tạo lập hạnh phúc riêng cho cuộc đời mình" - chị Trinh nhớ lại.
Chuyện đến với nghề tóc của Lỳ Xé Mư - học viên huyện miền núi Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu - cũng trở thành tấm gương cho hàng trăm phụ nữ trên hành trình gian nan thay đổi cuộc sống của mình. Lỳ Xé Mư mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với người ông đã già. Nhà quá nghèo, cô không được đi học nên không biết chữ. Cô biết đến chương trình đào tạo nghề tóc miễn phí của L'Oreal qua đội ngũ tình nguyện viên và theo học, miệt mài rèn luyện kỹ năng.
"Sau 4 tháng kiên trì rèn luyện tay nghề, đến nay, Lỳ Xé Mư đã là chủ tiệm tóc của mình trên một con đường gần chợ với thu nhập trung bình hơn 8 triệu đồng mỗi tháng" - chị Trinh cho biết.
Rất nhiều trường hợp khác cũng có cái kết đẹp. Những câu chuyện về phụ nữ yếu thế trở thành thợ tóc, làm chủ cuộc sống của mình đã chạm đến trái tim những người sáng lập và phát triển chương trình.
Chị Trinh còn cho chúng tôi biết trong tương lai, dự án "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp" sẽ được mở rộng ra nhiều địa phương. Chương trình sẽ đào tạo theo kỹ năng và nhu cầu tại địa phương, kết hợp với các khóa học xóa mù công nghệ để những phụ nữ yếu thế được tiếp cận thế giới hiện đại, tăng cường kiến thức và thay đổi cuộc sống bền vững qua nghề làm đẹp.
Qua 15 năm thực hiện, dự án "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp" đã đầu tư hơn 53 tỉ đồng để đào tạo nghề miễn phí cho phụ nữ yếu thế trên khắp cả nước. Từ năm 2014, "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp" của Việt Nam đã được Tập đoàn L'Oreal nâng thành dự án quốc tế.
Dự án này tiếp tục thực hiện sứ mệnh "tạo nên cái đẹp làm lay động thế giới" qua chương trình đào tạo nghề miễn phí, tạo sinh kế cho phụ nữ dễ bị tổn thương trên toàn thế giới để hằng năm, hơn 100.000 người sẽ được trao cơ hội tự thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)