Hàu biển là một trong những hải sản được ưa thích của người tiêu dùng, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân. Nghề nuôi hàu biển tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho hàng triệu người dân ven biển. Để giúp nghề này phát triển bền vững, nhóm tác giả do ThS Cao Văn Nguyện (Viện Hải dương học Nha Trang) dẫn đầu cho ra đời tập sách nghiên cứu "Nguồn lợi hàu biển Việt Nam - Sinh thái và kỹ thuật nuôi nâng cao".
Nuôi cách truyền thống không hiệu quả
Theo ThS Cao Văn Nguyện, dù tiềm năng kinh tế của hàu biển còn rất lớn nhưng hiện nay, việc nghiên cứu, phát triển nguồn lợi từ loài này chưa được chú ý đầy đủ, do còn thiếu các cơ sở khoa học - công nghệ. Vì vậy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đặt hàng nhóm của ông nghiên cứu chuyên sâu đề tài này.
Trong "Nguồn lợi hàu biển Việt Nam - Sinh thái và kỹ thuật nuôi nâng cao", nhóm tác giả đã mô tả một cách hệ thống về hình thái phân loại học của 17 loài hàu ở Việt Nam. Đây là cơ sở vững chắc cho chính sách quản lý, khai thác, phát triển hợp lý và bảo vệ nguồn lợi môi trường, từng bước thực hiện mục tiêu chiến lược là đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, phát triển nghề nuôi hàu biển nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tại Việt Nam, 5 loài hàu đang được nuôi phổ biến là hàu cửa sông, hàu Hồng Kông, hàu sữa, hàu Thái Bình Dương và hàu trắng. Các địa phương ven biển có diện tích nuôi hàu lớn gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Kiên Giang, Phú Yên, Khánh Hòa và Bến Tre. Vùng nuôi hàu chủ yếu ven bờ nên phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái, xung đột với các hoạt động kinh tế khác trên biển.
Với kinh nghiệm hơn 15 năm "ngâm mình" trong các hồ nuôi, ThS Cao Văn Nguyện đã nghiên cứu, hệ thống hóa tất cả yếu tố ảnh hưởng đến hàu biển, như sinh thái, môi trường, đặc điểm sinh trưởng, dinh dưỡng, sinh sản… Từ đó, ông đưa ra các quy trình nuôi hàu thương phẩm, bảo đảm vệ sinh - an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyện, cách nuôi hàu truyền thống là thả đáy với chi phí đầu tư thấp. Hàu được nuôi bằng cọc, giàn đỡ, dây, lồng treo... nên chủ yếu ở vùng nước sâu, cần môi trường ít ô nhiễm. Tuy nhiên, cách nuôi này có tỉ lệ hao hụt cao, hàu sinh trưởng chậm, dễ bệnh và không bảo đảm chất lượng.
Để hàu nuôi đạt hiệu quả cao, kiểm soát được chất lượng và an toàn, hiện nay, phương pháp nâng cao đang được khuyến khích. Phương pháp này sẽ thu giống tự nhiên bằng các vỏ hàu cũ làm giàn treo hoặc sử dụng giống nhân tạo từ các giá thể ở hồ nuôi. Sau thu giống, hàu đạt 2 - 3 cm thì chuyển qua san thưa nuôi trên bè nổi (cách truyền thống không san thưa giống). Hàu sẽ được nuôi với mật độ 2 - 8 con/mảnh vỏ cũ, xâu 4 mảnh vỏ cũ thành 1 dây. Một ô nuôi 1 m2 thì dùng 25 dây, tương đương 400 - 500 con. Phương pháp này đã được áp dụng ở Bến Tre, với chi phí đầu tư 1 bè (100 m2) khoảng 80 triệu đồng, sau 17 tháng thu được 180 triệu đồng, đạt lợi nhuận 2,25%.
ThS Nguyện khẳng định để hàu đạt chất lượng cao, giai đoạn vỗ béo là quan trọng nhất, kéo dài 15 - 20 ngày. Hàu được đưa vào ao nuôi giàu thức ăn hoặc cửa sông mật độ thưa. Người nuôi phải nắm vững kiến thức sinh hóa, phân tích chất lượng nước và tính toán được lượng lọc của hàu.

ThS Cao Văn Nguyện và mô hình nuôi vỗ béo trong ao có diện tích lớn

Hàu thương phẩm được vỗ béo đúng cách, bảo đảm chất lượng và an toàn - vệ sinh thực phẩm
Quản lý môi trường nuôi hiệu quả
Vì hàu là loại hút nước nên cũng được xem là động vật chỉ thị môi trường, có khả năng tồn dư các chất độc hại. Do đó, để nghề nuôi hàu biển phát triển bền vững, cần có các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm do chất thải hữu cơ và kim loại nặng từ các hoạt động nuôi trồng, sản xuất.
Một trong những giải pháp quan trọng là sử dụng công nghệ lọc nước tiên tiến, thiết bị giám sát chỉ số môi trường (nhiệt độ, độ mặn, ôxy hòa tan)… Giải pháp này giúp quản lý môi trường nuôi hiệu quả hơn, bảo đảm hàu phát triển khỏe mạnh và đạt chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các giống hàu cải tiến, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện môi trường xấu và tốc độ sinh trưởng cao cũng cần được quan tâm. Việc đầu tư vào khâu chọn giống và nhân giống sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng hàu. Việc lấy giống loài này phụ thuộc vào mùa vụ sinh sản hằng năm và phải xác định bãi giống tự nhiên mới giảm được chi phí sản xuất thay vì giống nhân tạo.
ThS Cao Văn Nguyện cho rằng cần tạo bãi đẻ tự nhiên để thu giống hàu và nhân rộng mô hình nuôi vỗ béo trong ao có diện tích lớn. Đây là giải pháp làm sạch hàu thành phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, người dân có thể thu giống trong ao nuôi, chủ động nguồn giống phục vụ nuôi thương phẩm, hướng đến phát triển nguồn lợi bền vững.
Theo ThS Nguyện, để phát triển nghề nuôi hàu một cách bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, việc thay thế vật bám là tấm fibro xi măng, vỏ lốp xe bằng các vật bám thân thiện với môi trường là giải pháp cần thiết. Trong đó, sử dụng vỏ hàu cũ làm vật bám là phương án vừa có chi phí thấp vừa hiệu quả cao lại thân thiện với môi trường.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), không chỉ luôn hút khách ở thị trường trong nước, hàu còn là mặt hàng xuất khẩu giá trị cao trong các sản phẩm nhuyễn thể.
Năm 2023, hàu Việt Nam xuất khẩu (hàu tươi, ướp lạnh) được trên 14 triệu USD, tăng 56% so với năm 2022. Từ đầu năm đến tháng 8-2024, giá trị xuất khẩu hàu tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 12 triệu USD, với thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Campuchia, Lào...
Bình luận (0)