Hướng dẫn viên (HDV) du lịch là sứ giả, đại sứ kết nối khách nước ngoài đến với du lịch Việt Nam. Khi những du khách quốc tế muốn tìm hiểu điểm đến, HDV là người giới thiệu và lan tỏa những cái hay, cái đẹp về đất và người nơi đó.
Đa số các HDV du lịch hiện nay có khả năng giao tiếp với khách nước ngoài khá tốt. Tuy nhiên, không ít HDV chỉ biết ngoại ngữ chứ chưa thật sự hiểu ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Nói cách khác, để đem đến những thông điệp có giá trị, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, ngoài trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, đòi hỏi HDV phải có vốn sống, kiến thức về văn hóa, xã hội Việt Nam.
Những gì tiếp thu được từ trường học, sách vở chỉ là một phần, HDV phải học hỏi và cập nhật những dữ liệu liên quan điểm đến mà mình có trách nhiệm giới thiệu với du khách. Đằng sau mỗi ngôn ngữ là đạo lý, thẩm mỹ, tín ngưỡng, triết lý... Hơn nữa, tiếng Việt đa dạng, phong phú, vì thế việc chuyển ngữ phải kết nối và chuyển tải cho được các giá trị văn hóa.
Song song đó, phải hiểu biết về văn hóa, tâm lý… của du khách để không làm mất lòng khách đến. Đơn cử một ví dụ đơn giản có thể nhiều du khách quen với hương vị của phở hay nem nhưng với mắm tôm hay sầu riêng thì phải xem lại.
Vậy nên, ngoài việc giới thiệu những nét văn hóa bản địa, HDV du lịch còn phải biết làm thế nào để du khách không bị sốc văn hóa. Đó là cảm giác lo ngại, cô đơn, bối rối… khi lần đầu tiên đến với một đất nước khác.
Hiện nay, có nhiều loại hình du lịch được khách nước ngoài quan tâm khi đến Việt Nam. Du lịch cộng đồng (Community- Base Tourism - CBT) đã và đang phát triển nhanh chóng và lan tỏa rộng rãi với những hình thức kinh doanh phổ biến, như: Làng nghề, nhóm nghệ nhân văn hóa, homestay, sản phẩm địa phương...
Ở góc độ kinh tế, du lịch cộng đồng đã tạo thêm nguồn phát triển sinh kế cho người dân khu vực nông thôn khi thông qua việc khai thác những tiềm năng và sản phẩm du lịch địa phương để tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống.
Để loại hình du lịch này lan tỏa và thu hút khách quốc tế, rất cần những HDV du lịch là người địa phương. Hơn ai hết, họ là người thẩm thấu được giá trị cuộc sống từ nơi mà mình sinh ra và lớn lên nên sẽ đem đến cho du khách những gì gọi là đặc trưng của vùng đất quê hương mình.
Với loại hình du lịch Meeting, Incentive, Conference, Event (du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện - MICE), HDV không chỉ giỏi ngoại ngữ mà phải có kiến thức trong lĩnh vực, chủ đề mà mình phụ trách để tự tin hơn trong việc hướng dẫn du khách.
Các nhà khoa học, doanh nhân và các tổ chức thương mại, dịch vụ... sẽ là những cố vấn quan trọng trong việc cung cấp kiến thức khoa học, tìm hiểu nhu cầu của khách để giúp người tổ chức định hướng và thiết kế tour mang tính khoa học nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí du lịch.
Sau mỗi sự kiện nên khảo sát sự hài lòng của khách du lịch để cải tiến chất lượng phục vụ, hướng đến tương lai.
Nói tóm lại, HDV du lịch là những người dẫn chuyện để thu hút khách tham gia vào những hoạt động trải nghiệm trong tour du lịch. Không dừng lại ở mức độ như thế, họ chính là cầu nối để tiếng lành vang xa thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Vì vậy, đội ngũ HDV phải được quan tâm đào tạo để chuyên nghiệp hóa, nâng chất, từ đó tạo chất xúc tác, giúp định hướng Việt Nam là một điểm đến thu hút khách nước ngoài trong tương lai.
Bình luận (0)