Ngày 6-9, tọa đàm "Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) từ Đổi mới (1986) đến nay, những vấn đề đặt ra cần giải quyết" do Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM tổ chức tại TP HCM thu hút nhiều nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, phóng viên báo đài từ Trung ương đến địa phương tham dự.
Đào tạo đội ngũ kế thừa
Tọa đàm đã thu hút 23 bài tham luận và gần 30 ý kiến đóng góp của đội ngũ những nhà nghiên cứu, lý luận phê bình đến từ 9 hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM.
Các đại biểu tại tọa đàm cũng thẳng thắn nêu những ý kiến xung quanh công tác lý luận phê bình (LLPB) VHNT từ Đổi mới (1986) đến nay, theo đó cần xây dựng cơ chế phối hợp, các chế độ đầu tư, đãi ngộ hiệu quả, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác LLPB VHNT. TP HCM hiện có Nghị quyết 98, nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP HCM, vì vậy cần phải đẩy mạnh hoạt động LLPB VHNT.
Hội Sân khấu TP HCM trước năm 1986 đã đặt vấn đề quy tụ các nhà LLPB tại TP HCM để xây dựng đội ngũ tác động trực tiếp đến sản phẩm sân khấu, và xem LLPB là một chân không thể thiếu của cơ thể sân khấu bên cạnh các nghệ sĩ làm nghề. Muốn cơ thể sân khấu vững mạnh thì đôi chân này phải vững vàng và không thể tách rời nhau, từ sau Đổi mới năm 1986, nhiệm vụ cao cả này luôn được chú trọng, nhờ vậy đã tạo nên những bước phát triển rất đáng ghi nhận của VHNT TP HCM. Từ năm 2021, Hội Sân khấu TP HCM chủ trương thành lập CLB Phóng viên Sân khấu, quy tụ hơn 20 phóng viên các báo đài, thường xuyên tổ chức các chuyên đề, hội thảo để đúc kết chuyên sâu về LLPB.
NSND Trần Minh Ngọc đã từng nêu ý kiến, Liên hiệp cần phải tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng LLPB và cập nhật những kiến thức mới trong thời buổi công nghệ số, hội nhập, để đưa LLPB theo kịp đời sống sáng tác, biểu diễn nghệ thuật.
PGS-TS Võ Văn Nhơn (Hội Nhà văn TP HCM) cho biết hiện nay Trường ĐH KHXH&NV TP HCM có mở khóa đào tạo Nghệ thuật học, trong đó có chuyên ngành về LLPB sân khấu, điện ảnh. Đây là tín hiệu vui cho việc đào tạo đội ngũ kế thừa công tác LLPB VHNT của TP HCM.
Nâng cao chất lượng LLPB
NSƯT Thành Lộc đã từng tâm tư, hiện nay có không ít bài báo viết về VHNT nhưng không tạo được sự tò mò, bất ngờ của khán giả đối với vở diễn. Không có nhiều những bài viết nhìn nhận, đánh giá đúng mức và xác đáng về nội dung, hình thức dàn dựng của các vở diễn mới. Hạn chế này cho thấy công tác LLPB chưa được đầu tư đến nơi, đến chốn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hiện có nhiều đơn vị đào tạo về VHNT, trong đó có lĩnh vực LLPB, rất cần tổ chức đào tạo chuyên sâu thông qua công tác liên kết giữa các hội chuyên ngành với các trường. PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, đề xuất: "Cần khôi phục lại Viện Nghiên cứu âm nhạc, vì viện nghiên cứu có chức năng cũng đào tạo các học viên sau đại học làm công tác nghiên cứu VHNT. Lực lượng sinh viên, học viên này chính là đối tượng bạn đọc dồi dào, tiềm năng và có nhu cầu tiếp cận các tác phẩm LLPB VHNT".
Theo những người trong cuộc, cần xây dựng, nâng cấp hệ thống thư viện, phòng đọc của các đơn vị đào tạo về VHNT, giúp người đọc trong đó phần đông là khán giả trẻ tiếp cận, khai thác nhiều hơn, hiệu quả hơn hệ thống công trình, tác phẩm LLPB VHNT hiện đang lưu giữ. Cùng với đó, củng cố hơn cho các thiết chế này bằng việc cung cấp, trang bị các ấn phẩm khai thác công nghệ số phần nào giúp người học nắm bắt rộng rãi hơn đời sống VHNT, trong đó có hoạt động LLPB.
Ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT TP HCM - cho rằng: "Lực lượng LLPB phải kiên định tính lập trường, nâng cao tính chiến đấu, nếu cứ ngại sự đánh giá đúng, cho rằng phê bình là mang tính chỉ trích nhau, thì sẽ không có bài viết chuyên sâu về LLPB VHNT. Vì đây là động lực thúc đẩy VHNT của TP HCM phát triển".
Bình luận (0)