Bộ Tư pháp vừa phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại TP HCM và cơ quan liên quan tổ chức hội thảo "Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại Việt Nam - Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh".
Tỉ lệ thu hồi tài sản chưa cao
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án (THA) dân sự TP HCM, các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tại TP HCM có đặc thù là tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, phải thu hồi là rất lớn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ thu hồi chưa cao.
Bên cạnh đó, khi cơ quan THA xác minh tài sản để phát mãi thì phát hiện một số trường hợp không giống diện tích bị cơ quan điều tra kê biên ở giai đoạn điều tra.
Một số vụ việc, sau khi cơ quan THA truy tìm, xác minh được tài sản THA của đương sự thì đương sự khởi kiện tranh chấp tài sản chung (như vụ án Trần Phương Bình giai đoạn 1, cơ quan THA xác minh truy tìm được 7 tài sản thì có 5 tài sản bị tranh chấp).
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, một khó khăn nữa trong quá trình thu hồi tài sản bị chiếm đoạt từ các vụ án này là đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để che giấu, tẩu tán tài sản, hợp thức hóa tài sản phi pháp.
Trong khi đó, cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật chưa được cụ thể hóa, việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hình thức, chưa triệt để.
"Riêng năm 2023, số việc phải THA tham nhũng, kinh tế của Cục THA dân sự TP HCM là 468/4.879 việc của toàn quốc. Số tiền phải THA là hơn 74.000 tỉ đồng nhưng chỉ thu hồi được hơn 17.000 tỉ đồng" - ông Nguyễn Văn Hòa nói.
Hoàn thiện thể chế về thi hành án
Để nâng cao kết quả thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, kinh tế trên địa bàn TP HCM, Cục trưởng Cục THA dân sự đề xuất cho phép cơ quan tố tụng ngăn chặn, phong tỏa, kê biên, tạm giữ tài sản đã bị chuyển dịch sang người thân; có các quy định pháp luật về tăng cường hợp tác quốc tế trong việc truy thu, thu giữ tài sản bị tội phạm đưa ra nước ngoài để đầu tư nhưng tẩu tán tài sản.
Hoàn thiện thể chế về THA dân sự, bổ sung cơ chế đặc thù đối với khoản thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Quy định rõ trách nhiệm của tòa án trong việc giải thích, đính chính bản án theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định trình tự, thủ tục về yêu cầu công nhận và cho thi hành tại nước ngoài phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Việt Nam đối với việc THA chủ động.
Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp (thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan THA dân sự) ngay từ khi thanh tra, kiểm toán...
Từ kết quả chuyến công tác của Bộ Tư pháp tại Anh năm 2023, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhận định công tác THA dân sự tại quốc gia này thực hiện có hiệu quả bởi bên cạnh các thiết chế mạnh, hệ thống các quy định tiến bộ như Bộ Quy tắc thi hành tốt nhất, Bộ Quy tắc ứng xử, Quy trình thủ tục THA dân sự..., còn có các cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản từ giai đoạn điều tra, khởi tố đến THA.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng tại Anh ngoài các cơ chế hình sự còn có các cơ chế thu hồi không qua thủ tục kết tội.
Ông Alan Smith, Giám đốc điều hành Hiệp hội THA cấp cao của Anh, cho biết thu hồi tài sản không qua thủ tục tố tụng hình sự là quy trình đặc biệt của chính phủ.
Không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho chính phủ hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.
Ưu điểm của biện pháp này là khắc phục được việc phải chứng minh tội phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản được cho là do phạm tội mà có, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Như Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục THA dân sự - cho biết công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát của nhà nước hiện nay phải thông qua kết tội.
Pháp luật hiện nay chưa có các quy định về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội.
Đồng thời cũng chưa có quy định đặc thù về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (như tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản trong quá trình tố tụng và THA; xử lý tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp…).
"Do đó, cần có một văn bản tầm luật để kết nối, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan này trong từng khâu, từng giai đoạn nhằm đạt được mục tiêu xử lý đúng người, đúng tội và thu hồi được tối đa tài sản" - ông Nguyễn Như Chiến nhận định.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết Bộ Tư pháp giao Tổng cục THA dân sự nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho nhà nước.
Bình luận (0)