2 năm trước, chị Nguyễn Thị Phượng (quê Hưng Yên) tìm hiểu và tham gia đóng BHXH tự nguyện với mức 330.000 đồng/tháng. Thế nhưng, do điều kiện khó khăn, thu nhập không ổn định, sau đó chị không thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Mức đóng còn cao
Chị Phượng nhận xét BHXH tự nguyện có ý nghĩa thiết thực vì ai cũng muốn về già được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, vì mức đóng hiện vẫn cao nên rất cần nhà nước hỗ trợ thêm để những người có thu nhập thấp, lại không ổn định như chị có cơ hội tham gia mạng lưới an sinh và được hưởng lương hưu khi về già.
Theo quy định hiện nay, nhà nước hỗ trợ người đóng BHXH tự nguyện theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng hằng tháng. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo 25% và 10% đối với các trường hợp khác. Dù đã bù đắp một phần cho người tham gia chính sách BHXH tự nguyện nhưng theo các địa phương, mức hỗ trợ hiện hành chưa khuyến khích được nhiều người tham gia. Một số địa phương đã đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách đối với người nghèo lên 60%, các trường hợp khác được hỗ trợ 20% tổng mức đóng.
BHXH Việt Nam cho biết tính đến ngày 31-12-2024, cả nước có khoảng 20,11 triệu người tham gia BHXH - tăng 9,2% so với năm 2023, chiếm 42,71% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, hơn 2,3 triệu người tham gia BHXH, chiếm 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Sau 16 năm thực thi chính sách BHXH, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng mạnh nhưng các chuyên gia an sinh cho rằng dư địa người tham gia vẫn còn rất lớn. Hiện đối tượng này có 2 chế độ hưu trí và tử tuất, từ tháng 7-2025 bổ sung trợ cấp thai sản 2 triệu đồng khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.
BHXH một số địa phương nhận định một trong những khó khăn khi vận động người làm nghề tự do tham gia BHXH tự nguyện là do mức hỗ trợ còn thấp. Tại Hải Phòng, tỉ lệ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện chiếm chưa đến 1% tổng số người tham gia. Còn tại TP HCM, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH thành phố, cho biết dù đã nỗ lực gia tăng độ bao phủ BHXH song số người tham gia chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương và kế hoạch được giao.
Đưa ra 2 phương án
Theo các chuyên gia an sinh, Luật BHXH (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Trong đó, bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm. Luật còn quy định người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng 22% thu nhập vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Những chính sách này được kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn cho loại hình BHXH tự nguyện. Từ đó, thu hút nhiều hơn lao động ở khu vực phi chính thức tham gia, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.
Luật mới giao Chính phủ quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH (sửa đổi) về BHXH tự nguyện.
Trong đó, cơ quan soạn thảo muốn điều chỉnh tăng mức hỗ trợ của nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Bộ LĐ-TB-XH đã đưa ra 2 phương án tăng tỉ lệ hỗ trợ trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, phương án 1, nhà nước hỗ trợ 50% với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 40% với hộ cận nghèo, 30% với người dân tộc thiểu số và 20% với các đối tượng khác. Phương án 2, nhà nước hỗ trợ 30% với hộ nghèo, 25% với hộ cận nghèo, 20% với người dân tộc thiểu số và 10% với các đối tượng khác.
Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ ở mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức cao nhất. Người lao động tham gia chính sách trên trước ngày 1-1-2021 và có đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên sẽ được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. So với quy định hiện hành, thời gian đóng cho số năm còn thiếu đã giảm từ 10 xuống còn 5 năm theo dự thảo.
Một số ý kiến cho rằng nên tăng mức hỗ trợ của nhà nước lên 70% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo. Lý do, tỉ lệ hộ nghèo có xu hướng ngày càng giảm sâu ở tất cả vùng miền, địa phương trong cả nước. Hơn nữa, các hộ nghèo, cận nghèo là nhóm yếu thế trong xã hội, họ thực sự khó khăn, cần được ưu tiên hỗ trợ để bảo đảm an sinh xã hội.
Còn tâm lý "trẻ cậy cha, già cậy con"
Về nguyên nhân khiến tỉ lệ lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện hiện còn rất thấp, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, cho rằng có nhiều vấn đề cần nhìn nhận.
Trước hết, mức thu nhập của người lao động khu vực phi chính thức thường bấp bênh, không ổn định. Vì thế, họ thường chú trọng giải quyết nhu cầu trước mắt, mưu sinh hằng ngày, mà chưa quan tâm nhiều đến an sinh bền vững sau này. Nhiều người dân ít tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện và vẫn còn tâm lý "trẻ cậy cha, già cậy con", nên chưa hình thành văn hóa đóng - hưởng, tức tự bảo đảm an sinh xã hội thông qua tích lũy, đóng góp khi trẻ để hưởng thụ khi về già trong cộng đồng dân cư.
Bình luận (0)