Theo báo cáo hằng tháng được Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 8-8, nhiệt độ trung bình trong tháng 7-2024 cao hơn 1,48 độ C so với mức nhiệt tham chiếu thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).
Tháng 7 năm nay trở thành tháng 7 nóng thứ hai trong lịch sử hành tinh, kèm theo 2 ngày nóng nhất lịch sử được ghi nhận.
Điều này đã chấm dứt chuỗi kỷ lục 13 tháng nóng nhất liên tiếp trước đó (từ tháng 6-2023 đến 6-2024). Tuy nhiên, vị trí "á quân" về nhiệt độ vẫn là mối lo ngại lớn.
Hãng tin Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu khí hậu Julien Nicolas của C3S: "Hiện tượng El Nino đã kết thúc nhưng mức nhiệt toàn cầu vẫn tăng lên, bức tranh toàn cảnh khá giống tình hình của một năm trước".
Xét theo khu vực, nhiệt độ cao hơn mức trung bình được ghi nhận ở miền Nam và miền Đông Âu, miền Tây nước Mỹ, miền Tây Canada, hầu hết châu Phi, Trung Đông, châu Á và miền Đông Nam Cực. Nhiệt độ gần hoặc dưới mức trung bình được ghi nhận ở Tây Bắc Âu, Tây Nam Cực, một số vùng của Mỹ, Nam Mỹ và Úc.
Hôm 7-8, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng ban hành một cảnh báo cho biết nhiệt độ cực cao đã tấn công hàng trăm triệu người trong suốt tháng 7. Dù dữ liệu chính thức từ cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) này chưa được công bố nhưng qua đó cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của Lời kêu gọi hành động về tình trạng nóng lên cực độ của Tổng Thư ký LHQ António Guterres.
Một phân tích từ nhóm nghiên cứu đa quốc gia Climate Central công bố ngày 8-8 cho thấy việc đốt than, dầu và khí đốt đang làm nhiệt độ ban đêm ở nhiều nơi tăng lên trên 25 độ C, khiến khoảng 2,4 tỉ người trên thế giới phải chịu thêm ít nhất 2 tuần có đêm nóng bức như thế này mỗi năm.
Đêm nóng bức sẽ ngăn cản cơ thể con người làm mát và phục hồi, gây ảnh hưởng sức khỏe, nhất là đối với trẻ sơ sinh, người cao tuổi và người có bệnh nền.
Song song đó, báo cáo ngày 8-8 của C3S còn cảnh báo các vùng đại dương không bị ảnh hưởng bởi El Nino cũng đang nóng lên bất thường. Ngoài ra, băng biển Bắc Cực mùa hè này giảm nhiều hơn năm 2022, 2023 và đang thấp hơn mức trung bình 7%.
Nhiệt độ nước biển toàn cầu vẫn ở mức rất cao trong tháng 7 năm nay dù chấm dứt chuỗi "lập kỷ lục" 15 tháng liên tiếp - chỉ thua 0,1 độ C so với tháng 7 năm ngoái.
Nước biển quá ấm có thể tạo ra mối nguy cơ lớn. Chẳng hạn, nhiệt độ nước trong và xung quanh rạn san hô Great Barrier của Úc suốt thập kỷ qua đã tăng lên mức cao nhất trong 400 năm, dẫn đến 5 mùa hè tẩy trắng hàng loạt từ năm 2016 và sẽ còn tái diễn.
Đây là một thảm họa bởi các rạn san hô bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn, đóng vai trò không thể thiếu trong hệ sinh thái biển.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết ít nhất 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trải qua tình trạng rạn san hô bị tẩy trắng hàng loạt kể từ tháng 2-2023 do biến đổi khí hậu làm ấm bề mặt nước biển.
Một báo cáo khác từ Malaysia cho biết nhiệt độ khắc nghiệt đã gây ra khoảng 2.000 vụ cháy rừng trên khắp cả nước trong tháng 7. Ngoài ra, 20 vụ đuối nước xảy ra mỗi tháng do người dân tìm những nơi có nước để "giải nhiệt".
Bình luận (0)