Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM kỳ vọng các nghệ sĩ đoạt huy chương vàng (HCV), huy chương bạc (HCB) tại cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang" sẽ sáng tạo không ngừng để lan tỏa loại hình nghệ thuật này đến số đông công chúng.
Sức sống mới, kỳ vọng mới cho cải lương
Trở lại sau 6 năm gián đoạn, Giải thưởng Trần Hữu Trang được nâng cấp thành cuộc thi cấp quốc gia, với hàng trăm nghệ sĩ cải lương dự thi ở cả ba miền, góp phần tiếp tục lan tỏa và khẳng định sức sống mạnh mẽ của cải lương trong đời sống văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Sau khi được TP HCM tiếp nhận tổ chức trở lại từ năm 2020, cuộc thi mang tên "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang" đã tổ chức thành công 2 mùa 2020 và 2022, để lại dấu ấn đáng kể về chuyên môn, tổ chức và hiệu ứng xã hội.
Ở mùa 1, có 19 gương mặt nổi bật được trao HCV, HCB ở 4 hạng mục: kép mùi - đào mùi, kép độc - đào độc, kép lão - đào mụ và vai hài. Trong đó, 7 HCV thuộc về Võ Thành Phê, Lê Thanh Thảo, Nhã Thi, Thanh Toàn, Kim Phụng, Linh Trung và NSƯT Thiên Hoa.
Và ở mùa 2, các nghệ sĩ: Võ Minh Lâm (kép mùi, vai Cố Sầu, trích đoạn "Chuyện tình Khâu Vai"), Huỳnh Tiểu Nhi (đào mùi, vai Loan, trích đoạn "Ảo vọng"), Trần Thị Thu Vân (đào mùi, vai Huệ, trích đoạn "Duyên kiếp"), Cao Thúy Vy (đào mụ, vai Trường Lạc Thái Hoàng Thái hậu, trích đoạn "Bi kịch"), Nguyễn Minh Trường (kép lão, vai Trần Thặng, trích đoạn "Kẻ sĩ Thăng Long"), Hà Như (đào độc, vai Đoàn Thị, trích đoạn "Hồi xuân dược") đã đoạt HCV. Mùa này, 11 HCB thuộc về các nghệ sĩ: Hải Long, Vĩnh Sơn, Bích Hạnh, Bích Châm, Phương Nga, Diễm Ngọc, Lê Trung Thảo, Nguyễn Văn Khởi, Thanh Đông, Như Huỳnh, Trần Minh Châu. Họ có đủ tiềm lực để sáng tạo nhiều vai diễn hay hơn, để những HCV, HCB không chỉ là danh hiệu, mà trở thành bước đệm để nghệ sĩ vững vàng tiến vào các đoàn hát chuyên nghiệp.
"Họ cần được các đạo diễn tin tưởng, công chúng nhớ tên. Quan trọng hơn, cuộc thi năm 2025 sẽ góp phần định hình "tài năng cải lương" trong bối cảnh sân khấu đang đối diện nhiều thách thức: không chỉ giỏi ca diễn mà còn phải có tư duy thẩm mỹ, sức sáng tạo, tinh thần cộng tác và bản lĩnh sân khấu" - NSƯT Ca Lê Hồng mong muốn.

Các nghệ sĩ từng đoạt huy chương cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” tham gia vở diễn “Hàn Mặc Tử” do NSƯT Vũ Luân và Hội Sân khấu TP HCM thực hiện
Để cải lương lan tỏa trên diện rộng
Năm nay, dưới sự chỉ đạo của UBND TP HCM, công tác chuẩn bị cho cuộc thi được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, nâng cao vai trò điều phối của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, cùng sự tham gia trách nhiệm của Hội Sân khấu TP HCM. Bên cạnh chuyên môn, các hoạt động quảng bá, truyền thông cũng đang được đẩy mạnh, giúp công chúng trẻ quan tâm hơn đến cải lương thông qua các nền tảng số.
Đặc biệt, với định hướng mang tính đột phá, mùa giải năm nay hứa hẹn sẽ là điểm khởi đầu cho một hành trình đưa nghệ thuật cải lương đi vào đời sống nhân dân. Các nghệ sĩ đoạt HCV, HCB tại mùa giải lần này và 2 mùa trước sẽ được tổ chức quảng bá, đưa các vở diễn, trích đoạn vào chuỗi lưu diễn quy mô lớn.
Với mô hình quảng bá mới này, sân khấu cải lương có cơ hội vươn rộng đến các địa phương vừa mới sáp nhập vào TP HCM. Các nhà hát, trung tâm văn hóa, không gian công cộng tại khu vực mở rộng sẽ trở thành điểm đến của các suất diễn do chính những tài năng từ Giải Trần Hữu Trang đảm nhiệm. Đây chính là cách thành phố biến giải thưởng không chỉ là "lễ vinh danh", mà trở thành một "thiết chế văn hóa lưu động" - nơi nghệ thuật và công chúng gặp nhau trên những sân khấu sống động.
Giới chuyên môn phấn khởi khi mà qua 2 mùa thi đã thể hiện được sức mạnh nội lực, góp phần phát hiện, nâng đỡ và lan tỏa tài năng trẻ. "Muốn bước xa hơn, biến giải thưởng thành một mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa sân khấu, kết nối giữa đào tạo - biểu diễn - phục vụ cộng đồng thì phải có lộ trình ngay. Việc HĐND TP HCM chấp thuận đầu tư kinh phí quảng bá, dàn dựng và lưu diễn không chỉ là quyết định đầu tư cho nghệ thuật mà là đầu tư cho bản sắc, để cải lương không bị giới hạn trong ký ức, mà hiện diện trong nhịp sống hiện đại" - NSƯT Lê Thiện nói.
Theo giới chuyên môn, cuộc thi không còn là "bệ phóng" đơn thuần, mà đang được TP HCM nâng tầm trở thành chiến lược phát triển nguồn nhân lực sân khấu có chiều sâu. Hai mùa giải vừa qua là khởi đầu chắc chắn. Với mùa 3, khi những tài năng được đưa lên sân khấu lưu động của đại đô thị mở rộng, cải lương có cơ hội quay lại vị trí xứng đáng: Nghệ thuật sống giữa lòng nhân dân, không chỉ để bảo tồn mà để tiếp tục phát triển.
Bình luận (0)