Ngày 10-12, tại Sóc Trăng, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt".
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỉ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ tăng về khối lượng và giá trị, những năm gần đây, cơ cấu gạo của Việt Nam liên tục thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng gạo chất lượng cao, giá trị cao và giảm loại gạo phẩm cấp thấp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ - cho biết nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi trong nhiều năm qua. Người tiêu dùng đã chuyển hướng tiêu dùng gạo chất lượng thay vì số lượng. Nhìn vào con số xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây sẽ thấy được gạo chất lượng đang là nhu cầu lớn. Điều đó cho thấy nhu cầu thị trường gạo vô cùng lớn, đặc biệt là gạo chất lượng cao. Thời cơ, thời điểm xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đã đến gần, đây là cơ hội vô cùng lớn của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Sóc Trăng là tỉnh có diện tích gieo trồng lúa lớn thứ 5 trong 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Diện tích gieo trồng lúa hàng năm của tỉnh khoảng trên 330.000 ha, sản lượng đạt trên 2,1 triệu tấn/năm.
"Ngành lúa gạo được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, ngành lúc gạo từng bước đi vào chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Điểm nổi bật là tỉ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 54%. Riêng giống lúa ST24 và ST25 chiếm trên 18% và được xếp hạng "gạo ngon nhất thế giới" qua các kỳ dự thi quốc tế" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNN) - cho rằng ngành lúa gạo Việt đã trải qua quá trình phát triển ấn tượng trong những thập kỷ qua. Từ một nước nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, được tổ chức lương thực thế giới (PAO) xếp là quốc gia đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Thành công của gạo ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo Việt Nam, tạo tiền đề để gạo Việt nâng tầm thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, việc phát triển thương hiệu gạo Việt còn một số khó khăn, như xây dựng lòng tin về chất lượng, thiếu hỗ trợ pháp lý trong việc bảo hộ thương hiệu quốc tế và chưa chú trọng thị trường nội địa.
"Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu gạo và chỉ dẫn địa lý, đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu. Phát triển sản phẩm gạo giá trị gia tăng, đổi mới công nghệ trong sản xuất gạo và đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, khẳng định vị thế thương hiệu" - ông Hòa nêu một số giải pháp định hướng xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Bình luận (0)