Hội thảo, vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu làm tốt công tác đưa người lao động ra nước ngoài
Trong nỗ lực tìm kiếm những thị trường mới chất lượng hơn, công việc và thu nhập tốt hơn cho người lao động (NLĐ), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã khai mở nhiều cơ hội việc làm tại châu Âu. Các nước như CHLB Đức, Nga, Hungary, Romania, Ba Lan, Bulgaria... đã và đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam trong các chương trình hợp tác lao động đã ký kết hoặc thí điểm thực hiện.
Đa dạng ngành nghề
Chủ cần thợ, việc chờ người là thực trạng chung của nhiều nước châu Âu - theo báo cáo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat). Từ các nền kinh tế lớn như Đức, Anh, Pháp, Ý... cho tới Ba Lan, Romania, Hungary, Cộng hòa Czech..., hầu hết ngành nghề đều có nhu cầu tuyển dụng. Các quốc gia này thiếu từ kỹ sư tin học, y tá, hộ lý đến phụ bếp quán ăn, nhân viên chạy bàn, công nhân xây dựng...
Hungary là điểm sáng trong việc hợp tác lao động giữa Việt Nam và châu Âu. Vài năm gần đây, quốc gia Trung Âu này trở thành thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) thu hút sự quan tâm của đông đảo NLĐ có nguyện vọng sang châu Âu làm việc.
Ngoài mức lương hấp dẫn, khi sang Hungary, NLĐ còn được hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở, chi phí đi lại làm việc và vé máy bay khứ hồi. Chi phí sang Hungary làm việc rất hợp lý, thậm chí thấp hơn một số thị trường truyền thống. Các công việc cũng rất phù hợp với NLĐ Việt Nam như: thợ hàn, đốc công, xây dựng, sản xuất chế tạo, chế biến gỗ, hái nấm trong nhà, khách sạn - nhà hàng...
Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Hungary làm việc từ năm 2018, đến nay đã đạt hơn 2.700 người. Số lao động sang làm việc tại thị trường này tăng dần qua các năm - năm 2021 là 465 người, năm 2022: 775 người và 11 tháng năm 2023 đã lên tới 1.463 người.
"Thị trường châu Âu nói chung và Hungary nói riêng rất tiềm năng, mở ra cánh cửa việc làm với thu nhập tốt và nhiều cơ hội cho NLĐ Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng góp phần đẩy mạnh hợp tác về lao động, việc làm giữa Việt Nam và châu Âu trong thời gian tới" - ông Dũng nhấn mạnh.
Nhằm thu hút lao động bên ngoài châu Âu, một số nước chọn cách nới lỏng luật lệ. Chẳng hạn, Luật Nhập cư mới của Đức cho phép người nước ngoài có hơn 2 năm kinh nghiệm nghề nghiệp được định cư tại nước này; kỹ sư tin học thậm chí không cần phải biết tiếng Đức. Chính phủ Đức cũng khuyến khích người nước ngoài tới học nghề rồi ở lại làm việc lâu dài.
Theo bà Lý Kim Nhung, phụ trách dự án Tư vấn công bằng thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Đức thiếu lao động trong nhiều lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, cơ khí, xây dựng, nhà hàng - khách sạn và du lịch, công nghệ thông tin, điện - điện tử... Vì vậy, Chính phủ Đức tích cực tìm kiếm nhân lực bên ngoài khối EU để bổ sung, đồng thời thay đổi một số chính sách để thu hút lao động nước ngoài.
Mở rộng hợp tác
Xây dựng chiến lược dài hạn hơn, Phần Lan sẽ cử các "cố vấn" tới Việt Nam nhằm tạo lập mối quan hệ đối tác, từ đó thu hút NLĐ đến làm việc trong nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe... Quốc gia Bắc Âu này đặt mục tiêu thu hút 50.000 người nhập cư theo diện việc làm vào năm 2030 và lên đến 250.000 lao động vào năm 2050.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng việc xây dựng chiến lược song song - vừa củng cố các thị trường truyền thống vừa mở rộng thị trường mới khó tính nhưng nhiều tiềm năng như châu Âu, Úc, châu Mỹ... - là cách để tạo thêm cơ hội cho NLĐ Việt Nam. Ngoài châu Âu đã ký thuận (MOU) với một số nước và đang xúc tiến thêm, việc tiếp cận những quốc gia có nhu cầu lao động lớn như Úc, Canada… cũng được Bộ LĐ-TB-XH đặc biệt quan tâm.
Canada được các doanh nghiệp và NLĐ Việt Nam đánh giá là một trong những nước có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao, đời sống ổn định, hệ thống an sinh xã hội tốt. Cơ hội rộng mở với NLĐ khi mới đây, Canada đã công bố các mục tiêu nhập cư mới. Theo đó, nước này sẽ tiếp nhận khoảng 500.000 người nhập cư mỗi năm cho đến năm 2025. Đây được coi là một trong những giải pháp cho vấn đề thiếu lao động ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, cuối năm ngoái, Bộ Thương mại và Phát triển xuất khẩu tỉnh Saskatchewan - Canada đã xúc tiến hợp tác với Bộ LĐ-TB-XH về lĩnh vực lao động - việc làm, đưa NLĐ Việt Nam sang tỉnh này làm việc có thời hạn. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp hé mở cánh cửa cho NLĐ Việt Nam tại thị trường tiềm năng này.
Gần đây, Úc được đánh giá là thị trường tiềm năng cho NLĐ Việt Nam khi chính phủ nước này thay đổi nhiều chính sách, nới lỏng về nhập cư để thu hút lao động. Theo Cơ quan Việc làm và Kỹ năng Úc (JSA), trong năm 2023, 36% ngành nghề tại Úc đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao, tăng 5% so với năm ngoái. Xứ sở kangaroo có nhu cầu lao động rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, cơ khí, công nhân nhà máy… với mức lương tối thiểu hơn 1,1 tỉ đồng mỗi năm.
Chính phủ Úc cũng đã xem xét lại toàn bộ hệ thống nhập cư nhằm tăng tốc tiếp nhận lao động tay nghề cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cư trú lâu dài để thu hút lao động nước ngoài. Thủ tục xét thị thực đối với NLĐ có kỹ năng nghề cao sẽ được ưu tiên thực hiện nhanh hơn so với trước đây.
Mới đây, Hy Lạp cũng đã chính thức tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc, chủ yếu trong ngành nông nghiệp trồng trọt, thu hoạch và chế biến nông sản. Thời hạn hợp đồng lao động là 2 năm, mức lương khởi điểm khoảng 21 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca và các khoản phụ cấp.
Phía Hy Lạp sẽ chi trả vé máy bay khứ hồi cho NLĐ Việt Nam. Ngoài ra, khi sang Hy Lạp làm việc, NLĐ sẽ được chủ sử dụng lao động cung cấp chỗ ở miễn phí, suất ăn và phương tiện di chuyển. NLĐ cũng sẽ được chủ đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định của Hy Lạp.
(Còn tiếp)
Đưa hơn 1.000 điều dưỡng sang Đức
Dự án "Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức" và dự án "Tuyển chọn, đào tạo, đưa ứng viên Việt Nam sang học tập, làm việc tại CHLB Đức trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh" đã phái cử hơn 1.000 điều dưỡng viên sang Đức học tập và làm việc. Đây là những dự án phi lợi nhuận dành cho NLĐ đã và đang học cao đẳng, đại học ngành điều dưỡng, có nguyện vọng sang Đức làm việc, mở rộng cánh cửa sự nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-12
Bình luận (0)