Phản hồi về tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một ngày trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 27-2 phủ nhận việc các nước NATO đang xem xét khả năng điều động quân đội tới Ukraine trong bối cảnh diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Trong khi bác bỏ kịch bản trên, ông Stoltenberg một lần nữa nhấn mạnh rằng liên minh này sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Kiev.
Theo kênh Al Jazeera, ông Stoltenberg cho hay theo luật pháp quốc tế, Ukraine có quyền tự vệ và NATO có quyền hỗ trợ họ duy trì quyền đó.
Trước đó, ông Macron phát biểu tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 26-2 rằng dù chưa có sự đồng thuận nào về việc gửi quân đội tới Ukraine một cách chính thức nhưng cũng không thể loại trừ điều đó.
Nga đã nhanh chóng phản ứng về phát ngôn của nhà lãnh đạo Pháp. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc triển khai quân đội tới Ukraine "hoàn toàn không có lợi" cho các thành viên châu Âu thuộc NATO và cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp là không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, các quốc gia khác đã nhanh chóng lên tiếng trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng. Tại cuộc gặp song phương, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Czech Petr Fiala - hai trong số những nhà lãnh đạo ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất - cho biết họ không tính đến việc đưa quân đến Ukraine.
Tương tự, Thụy Điển, quốc gia chuẩn bị gia nhập NATO, nhấn mạnh không có ý định gửi bộ binh tới nước này. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng cho biết chính phủ nước này cũng không có ý định trên.
Nhấn mạnh lập trường không muốn xung đột với Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Ý Antonio Tajani hôm 27-2 cho rằng: "Khi đề cập về việc gửi quân, chúng tôi phải hết sức thận trọng vì không được khiến mọi người nghĩ rằng chúng tôi xung đột với Nga". Chính phủ Ý khẳng định sẽ hỗ trợ cho Ukraine nhưng không bao gồm việc triển khai binh sĩ.
Bình luận (0)