xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nên chuyện từ lá dứa, vỏ hộp sữa

Bài và ảnh: HUỲNH TUYẾT

Trên hành trình hướng đến tương lai xanh, những con người luôn trăn trở ấy đã biến rác thải thành sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường.

Nhìn những cánh đồng dứa bạt ngàn phát thải khối lượng lớn lá dứa rất khó phân hủy, chị Vũ Thị Liễu - nhà sáng lập Công ty CP Ecosoi - khi đó đã trăn trở và tìm mọi cách biến lá dứa thành sản phẩm có ích, góp phần tạo thêm giá trị cho cây dứa Việt Nam.

Kéo sợi tơ từ lá dứa

Mô hình "kéo sợi tơ từ lá dứa" ra đời từ đó và chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã, cá nhân có sẵn vùng nguyên liệu, cơ sở vật chất, nguồn lao động tại chỗ để sản xuất xơ thô. Bên cạnh đó, cam kết đầu ra sản phẩm cho họ. Vùng nguyên liệu của Ecosoi hiện tại tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Đắk Lắk và Tiền Giang. Kho của công ty đặt tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) do anh Nguyễn Văn Hạnh (nhà sáng lập HTX Hạnh Phúc) đứng ra chịu trách nhiệm quản lý chất lượng và bảo quản.

Với mô hình này, để có xơ dứa, người nông dân sử dụng lá dứa tươi tách xơ dứa bằng máy sau đó rửa với nước và phơi khô. Công ty sử dụng xơ dứa thô từ người nông dân rồi xử lý "bông hóa" xơ thô thành tơ bảo đảm có độ mảnh, khô ẩm và độ dài đồng nhất. Sau đó, tơ dứa mới được dùng để kéo sợi, dệt vải. Tất cả quy trình tuốt, làm sạch, chế biến mới thành sợi được thực hiện trong vòng 48 giờ.

Huỳnh Tuyết (1).JPG

Lá dứa được nông dân thu hoạch và chuyển về điểm tập kết

Từ nguồn sợi tơ dứa, Ecosoi tiếp tục dệt thành vải phục vụ ngành dệt, may mặc, thời trang, nội thất... Tùy mục đích sử dụng, xơ dứa pha trộn tùy chỉnh với các sợi sinh thái khác như bông hữu cơ, lụa, len... tạo ra các chất liệu như jean, thun, khăn lông, vải dệt thoi, vải dệt kim.

Sau 3 năm vận hành, khoảng 5.000 ha vùng trồng dứa ở Thanh Hóa và hơn 2.000 ha ở Nghệ An được Ecosoi khai thác. Sản phẩm của Ecosoi đã có khách hàng tại Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungary, Mỹ... và được mời đi triển lãm tại các sự kiện thời trang xanh ở nhiều nơi trên thế giới.

Chị Liễu cho biết mô hình này mở ra một chặng đường mới là người nông dân sẽ có thêm công ăn việc làm trên mảnh đất quê hương mình, còn nguồn sợi sẽ phục vụ cho thời trang bền vững, thân thiện với môi trường. "Một chiếc máy tách sợi giá từ 35 - 45 triệu đồng, một ngày máy mini có thể xử lý 250 - 300 kg lá tươi và cho ra trung bình khoảng 4 - 5 kg sợi khô thành phẩm cuối cùng. Với 3 - 5 ha dứa, cho ra 1,5 - 2,5 tấn sợi xơ. Như vậy, thay vì đốt lá gây ô nhiễm môi trường, người nông dân có thể kiếm thêm từ 200 - 350 triệu đồng tiền xơ dứa mỗi năm" - chị Liễu chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Hạnh cho hay mô hình này hiện đang liên kết, hỗ trợ với hàng trăm hộ dân trồng dứa, đồng thời tạo việc làm cho hơn 50 thanh niên, phụ nữ yếu thế và bà con dân tộc thiểu số ở địa phương. "Không chỉ giúp bà con gia tăng thu nhập, mô hình còn đồng hành với nông dân làm nông nghiệp sạch, không lạm dụng hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân" - anh Hạnh tâm đắc.

"Tái sinh" vỏ hộp sữa

Với mong muốn thay đổi thói quen phân loại, xử lý rác thải tại trường học, khu công nghiệp, khu dân cư, hệ thống siêu thị, cửa hàng..., một mô hình tái chế rác thành các sản phẩm sinh hoạt hữu ích hằng ngày đã ra đời.

Anh Lê Trung Thông, Giám đốc Công ty CP Lagom Việt Nam, cho biết vỏ hộp giấy có khả năng bảo quản đồ uống tối ưu nhưng có cấu tạo phức tạp. Đồng thời, lượng tiêu dùng ngày càng lớn đặt ra bài toán thu gom, tái chế hiệu quả nhằm tiết kiệm tài nguyên, giữ môi trường sạch đẹp. Vì vậy, anh ấp ủ, dự định làm sao để "biến rác" thành những sản phẩm có ích, vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

"Những ngày đầu thành lập Lagom Việt Nam, tôi và cộng sự đi thu gom các vỏ hộp sữa từ hơn 2.000 trường học trong cả nước và đem về tái chế. Những hộp sữa tưởng chừng khó tái chế lại trở thành các vật dụng nội thất có ích" - anh Thông bộc bạch.

Huỳnh Tuyết (2).JPG

Khách hàng tham gia hoạt động gom vỏ hộp sữa

Điểm đáng lưu ý của mô hình này là việc xây dựng nhận thức và khuyến khích trẻ em tham gia thu gom vỏ hộp giấy tại nguồn. Lagom Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, bao gồm những buổi nói chuyện, hội thảo và chương trình giáo dục môi trường tại các trường học.

Mô hình kỳ vọng sẽ xây dựng một hệ sinh thái thu gom và tái chế vỏ hộp giấy ngay từ chính những "mắt xích" đầu tiên là các điểm trường, giúp tăng tỉ lệ thu gom, tái chế, giảm thiểu số lượng vỏ hộp giấy thải ra môi trường. Hiện mô hình này đã thiết lập cơ sở hạ tầng thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại hơn 2.000 điểm trường và hơn 150 điểm công cộng.

Sau khi được thu gom tại các điểm, vỏ hộp sữa được vận chuyển về nhà máy tái chế. Với quy trình tái chế hiện đại, vỏ hộp sữa được tách ra thành các thành phần giấy và hỗn hợp nhôm - nhựa. Phần giấy được tái chế thành các sản phẩm giấy mới. Hỗn hợp nhôm - nhựa còn lại được tái chế để tạo thành hạt Lagom Polyalu - một loại vật liệu có thể sử dụng để sản xuất nhiều loại sản phẩm tái chế. Công nghệ tái chế này không chỉ tận dụng tối đa các thành phần trong vỏ hộp sữa mà còn bảo đảm quá trình tái chế khép kín, giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.

Từ năm 2019 đến nay, gần 1.000 tấn vỏ hộp sữa đã qua sử dụng được Công ty CP Lagom Việt Nam phân loại, thu gom, tái chế thành các sản phẩm thủ công với đủ hình dáng, màu sắc như: chậu trồng cây, móc quần áo, khung ảnh, bộ bàn ghế... Sản phẩm được tái chế có độ cứng, đàn hồi cao, không thấm nước, chịu lực, chịu nhiệt tốt. Mỗi sản phẩm bán ra với giá dao động 15.000 - 150.000 đồng.

Là một người trẻ ưa thích sản phẩm tái chế từ hộp sữa, chị Trần Nhật Trúc Quỳnh (25 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) đánh giá: "Mình thật sự bất ngờ vì độ dẻo dai và gọn nhẹ của móc áo tái chế, đây không chỉ đơn thuần là sản phẩm sinh hoạt thường ngày mà còn là thông điệp giúp mình tiêu dùng có trách nhiệm hơn". Chị Quỳnh chia sẻ từ khi biết đến chương trình, chị thường gom vỏ hộp sữa đã sử dụng rồi gửi tại cửa hàng sữa Vinamilk ngay dưới tòa nhà để công ty thu gom tái chế thành các sản phẩm khác nhau.

"Là doanh nghiệp, dĩ nhiên chúng tôi quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng trên tất cả, chúng tôi mong muốn tạo ra những giá trị, tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Tôi mong rằng những hành động nhỏ của mình sẽ góp phần lan tỏa, giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phân loại và tái chế rác nhằm góp phần xây dựng một Việt Nam xanh, tiến bộ và bền vững" - anh Thông chia sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo